Thực trạng này được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chỉ ra tại hội thảo Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam diễn ra ngày 27-2 tại Hà Nội.
Vốn lớn, khách hàng chưa mặn mà
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, chỉ ra trong 2 năm qua, mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế và khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình.
Các doanh nghiệp giới thiệu về pin năng lượng mặt trời
Cụ thể, các đơn vị điện lực chưa thể ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện. Khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị. Đặc biệt, chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn còn cao, chưa khuyến khích khách hàng.
Dưới góc nhìn thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, ông Đào Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2), thừa nhận đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có vốn ban đầu, thường tương đối cao. Đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái.
Có thể hỗ trợ 2-6 triệu đồng/hộ
Cả Bộ Công Thương và EVN đều đánh giá điện mặt trời áp mái có thể giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống điện truyền tải, phân phối như đường dây, trạm biến áp, giảm gánh nặng cho bộ máy vận hành hệ thống truyền tải, phân phối. Ông Nguyễn Ninh Hải, Trưởng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương), cho biết Chính phủ vừa ban hành Quyết định 02 để tháo gỡ các vướng mắc về điện mặt trời áp mái, trong đó nêu rõ dự án điện mặt trời áp mái thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công-tơ điện đo đếm hai chiều. Khách hàng lắp điện mặt trời áp mái thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, để điện mặt trời "bùng nổ" như kỳ vọng, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. Bởi thời gian qua các đơn vị thuộc EVN chỉ mới ký văn bản thỏa thuận đối với các hộ gia đình mà chưa có hợp đồng chính thức.
"Kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái..." - ông Tri nhấn mạnh.
Tại hội thảo, lãnh đạo EVN cũng tiết lộ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã tài trợ khoảng 14 triệu euro để phát triển điện mặt trời nhưng EVN đang đàm phán với phía KfW và đề xuất Chính phủ dành toàn bộ số kinh phí này để khuyến khích, hỗ trợ cho điện mặt trời áp mái. Nếu được thông qua, mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí lắp đặt từ 2-6 triệu đồng, tùy vào công suất.
Giá mua điện theo vùng bức xạ
Theo dự thảo của Bộ Công Thương về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, giá mua bán điện mặt trời áp mái sẽ được tính theo 4 vùng bức xạ. Cụ thể, giá mua cao nhất là ở vùng 1 (bao gồm các tỉnh vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung Bộ) 2.486 đồng/KWh. Trong khi ở vùng 4 (gồm các tỉnh có tiềm năng lớn về điện mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa...) chỉ ở mức 1.803 đồng/KWh.
Bình luận (0)