Theo Bộ Công Thương, trở thành đối tác ký FTA đầu tiên với EAEU, Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, chè, thủy sản, rau củ quả, dệt may, da giày…
Ông Kirill Baturo, tùy viên thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam, cho biết Belarus rất quan tâm tới việc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu Belarus chưa quen các thương hiệu Việt. Do đó, giai đoạn đầu nên xem xét khả năng chế biến và đóng gói sản phẩm Việt tại Belarus và dùng các thương hiệu của nước nhập khẩu.
Theo ông Kirill Baturo, các mặt hàng khác từ Việt Nam như cà phê, chè, gạo, điều hoặc gia vị cũng có nhu cầu rất lớn ở Belarus.
Thống kê của Nga cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng 35,7%, trong đó có cà phê, chè, dược phẩm, cao su, giày dép, điện thoại di động. Phía Nga cho rằng các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh sang đây. Theo tính toán, khi thuế nhập khẩu về 0%, mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Nga thêm khoảng 200 triệu USD; cà phê, chè, gia vị tăng thêm 300 triệu USD.
Một trong những khó khăn khi xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang EAEU, theo nhiều DN, là thủ tục kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khắt khe. Nhiều DN không xin được giấy phép về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Giám đốc Văn phòng SPS, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thừa nhận có những DN Việt đăng ký với cơ quan quản lý Nga, thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra nhưng sau đó lại không nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang đây. Do đó, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng lâm sản, thủy sản sẽ làm việc với cơ quan thẩm quyền của EAEU để thống nhất quy định.
Phía Nga cho biết chi phí làm thủ tục hải quan sẽ được giảm bớt. Ngoài ra, cơ quan quản lý nước này cũng đang xây dựng phương pháp xác minh hồ sơ điện tử, khi có cơ sở dữ liệu chung sẽ áp dụng quy trình cấp chứng chỉ xuất xứ điện tử nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) băn khoăn vì theo FTA, thuế nhập khẩu dệt may vào EAEU sẽ giảm từ 10% còn 0% và áp dụng cơ chế “phòng vệ ngưỡng”. Cơ chế phòng vệ đặc biệt này sẽ được áp dụng nếu hàng dệt may xuất khẩu vào khu vực này tăng 150% so với trung bình 3 năm gần nhất. Điều này khiến DN dệt may lo ngại sẽ giảm lợi ích ưu đãi về thuế và cơ chế phân bố, giám sát chỉ tiêu liệu có tạo thêm thủ tục hành chính gây phiền phức cho DN.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), giải thích cơ chế vượt ngưỡng không phải “đẻ” ra hạn ngạch mà là biện pháp phòng vệ thương mại của khu vực này. Do đó, biện pháp này không tự kích hoạt mà phải có thời gian để phía bạn điều tra và Việt Nam xem xét có phù hợp không. Linh Anh
Bình luận (0)