Ngày 23-6, Đảng ủy khối doanh nghiệp (DN) và Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM đã tổ chức hội thảo về một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước.
Nhiều cản trở
Theo thống kê của Ban Đổi mới quản lý DN TP, trong giai đoạn 2013-2015, trên địa bàn đã CPH 32 DN nhà nước, trong đó 4 DN đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán. UBND TP HCM tiếp tục chỉ đạo 28 DN đăng ký giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, 31 DN đã CPH tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của UBND TP nhằm đưa tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ về mức phù hợp.
Giai đoạn 2016-2018, TP HCM tiếp tục cổ phần hóa 51 doanh nghiệp nhà nước. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH
Trong giai đoạn 2016-2018, TP HCM tiếp tục CPH 51 DN nhà nước và UBND TP đã lập 45 ban chỉ đạo CPH để triển khai quá trình này. Liên quan đến công tác thoái vốn nhà nước tại DN, đến hết năm 2016, tổng số vốn nhà nước thực hiện thoái theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 do UBND TP phê duyệt là 2.540 tỉ đồng theo sổ sách và số tiền thu được thực tế là hơn 3.541 tỉ đồng.
Ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Đổi mới quản lý DN TP, cho biết đang xây dựng phương án để sắp xếp, đổi mới DN nhà nước theo chỉ đạo của TP và trung ương sau khi được Chính phủ thông qua. Trong tổng số 45 DN nhà nước trực thuộc TP sẽ được sắp xếp lại đến năm 2020 trên địa bàn, 39 DN sẽ CPH gồm 13 tổng công ty và 26 công ty độc lập thực hiện nhiệm vụ công ích. TP chỉ giữ lại 3 DN nhà nước còn nắm cổ phần chi phối.
Về những khó khăn trong quá trình CPH DN nhà nước trên địa bàn, theo ông Lê Trọng Sang, việc xác định giá trị DN mất rất nhiều thời gian do cần đánh giá lại từng tài sản, từng địa chỉ. Vừa qua, Chính phủ cũng chỉ đạo phương án tính vị trí địa lý để xác định giá trị DN, trong khi TP là đô thị đặc biệt nên đặt ra nhiều yêu cầu cần giải quyết. Một số DN nhà nước có nhiều nguồn đầu tư dài hạn, liên doanh với nước ngoài nên khi CPH cần rà soát lại các nguồn đầu tư dài hạn này để đưa vào tổng tài sản của DN nhằm minh bạch. Những yếu tố trên cần phải xử lý trước để đưa vào phương án CPH DN nhà nước đến năm 2020.
Ông Huỳnh Hiệp Sĩ, Phó Bí thư Đảng ủy khối DN, nhìn nhận dù đã có tương đối đầy đủ quy định, hướng dẫn thực hiện CPH nhưng DN vẫn còn gặp nhiều lúng túng về chi phí thực hiện, tư vấn xác định giá trị DN, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN. Các vấn đề về bán cổ phần lần đầu, quản lý tiền thu từ CPH; việc xây dựng chiến lược phát triển DN… cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình thực hiện, tiến độ CPH DN.
Cân nhắc tìm nhà đầu tư chiến lược
Là 1 trong 2 DN nhà nước đầu tiên trên địa bàn CPH theo mô hình công ty mẹ - công ty con, ông Huỳnh An Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), cho biết nhiều vấn đề chưa có tiền lệ trong quá trình này khiến không chỉ DN mà các sở, ngành cũng gặp khó khăn khi tham mưu cho UBND TP.
Trong đó, việc xác định giá trị DN là khó nhất và kéo dài nhất, liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công tác CPH. Chẳng hạn, trong quá trình thẩm định lại giá trị tài sản DN, Cholimex có một cơ sở đất ở quận 5 nhưng phải mất hơn 6 tháng mới có kết quả xác định giá trị tài sản. "Trong quá trình CPH, với những vấn đề mới, khó hoặc chưa có tiền lệ, DN rất cần sự bàn bạc, tìm hướng giải quyết dứt điểm của các sở, ngành, tránh tình trạng văn bản qua lại mất nhiều thời gian" - ông Trung đề xuất.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong triển khai CPH, theo ông Huỳnh Hiệp Sĩ, đa số đơn vị chỉ tập trung vào nhà đầu tư có nhiều vốn với quan niệm "có tiền là làm được tất cả hoặc thương hiệu lớn mạnh là quyết định". Trong khi vấn đề quan trọng là làm sao để chọn được nhà đầu tư là các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược có ngành nghề kinh doanh phù hợp chiến lược phát triển của DN lại không được quan tâm. Điều này khiến nhiều DN lúng túng, khó khăn trong thực hiện CPH.
Từ những bài học khi CPH DN nhà nước trước đây, ông Lê Trọng Sang cho rằng trong giai đoạn này, DN sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Bởi trước đây, nhiều nhà đầu tư chiến lược chỉ chú trọng đến tài sản, ít quan tâm phương án CPH nên giờ đòi hỏi trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược phải thay đổi. Ngoài quy định sau 3 năm nhà đầu tư chiến lược mới được chuyển nhượng cổ phần của mình, cần thêm quy định để gắn chặt hơn lợi ích của nhà đầu tư chiến lược do sẽ tác động đến các nhà đầu tư khác là cổ đông nhỏ. Đồng thời, các phương án bán cổ phần lần đầu thông qua tư vấn, sàn giao dịch cũng đòi hỏi phải công khai để thu hút nhà đầu tư…
Bình luận (0)