Theo đó, các tài xế xe ôm công nghệ thường tập trung gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để bắt khách. Nhiều khách bắt xe GrabBike trực tiếp, không qua ứng dụng nên không quan tâm đến giá cả. Tuy nhiên, có khách yêu cầu tài xế đặt xe trên ứng dụng cho chắc ăn nhưng vẫn bị "dính" giá cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thực trạng này, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Bộ phận GrabBike, cho biết có một số trường hợp không phải là đối tác tài xế của Grab, họ lợi dụng đồng phục của GrabBike để đón khách trái phép. Các đối tượng này hoạt động tập trung tại bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát (Hà Nội) và bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Họ tìm cách chèo kéo khách không qua ứng dụng. Một số đối tượng còn có hành vi ngăn cản, thậm chí tấn công các đối tác tài xế GrabBike chân chính đón trả khách thông qua ứng dụng tại những khu vực trên.
Một số GrabBike chờ đón khách tại TP HCM.
Grab Việt Nam cho biết để giải quyết tình trạng trên, Grab đã gửi văn bản đến Phòng An ninh Kinh tế (Công an TP HCM) đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. "Grab sẵn sàng cung cấp thông tin hỗ trợ cũng như phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu nhằm rà soát, xác minh phục vụ công tác điều tra, xử lý. Đồng thời, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự đường phố" – ông Thành thông tin thêm.
Theo đại diện Cảng vụ hàng không Miền Nam, đơn vị này cũng đã làm việc với Công an Tân Sơn Nhất (Công an quận Tân Bình) và an ninh sân bay Tân Sơn Nhất để nắm rõ tình tình, đồng thời triển khai các kế hoạch lập lại trật tự khu vực sân bay.
Bình luận (0)