Nhiều quán ăn, nhà hàng và thức uống tại TP HCM đang "kêu trời" vì phí mà các ứng dụng đặt đồ ăn (app) áp cho mỗi đơn hàng quá cao.
Việc này buộc các hàng quán phải tăng giá bán nếu không muốn lỗ lã. Tuy nhiên, việc tăng giá lại mất khách cho nên nhiều quán phải nghỉ bán hàng qua app.
Cụ thể, các app đặt thức ăn có thị phần lớn hiện nay như Grab, ShopeeFood, Be, Gojek, Baemin,… bị các hàng quán tố thu phí lên đến 20%-30% cho mỗi đơn hàng.
Khách đặt thức ăn qua mạng giảm đáng kể do phí quá cao
Chị Hà, bán trà sữa, ở quận 3, cho biết giá mỗi ly chỉ từ 20.000-30.000 đồng nhưng app đã thu khoảng 5.000 đồng, chưa hết phí giao hàng qua app cũng bằng giá trị thức uống, tức khách hàng phải trả từ 40.000-50.000 đồng (cao gần gấp đôi so với giá trị thức uống). Do giá quá cao nên khách hàng đặt mua hàng trên app cũng ngày càng giảm đi.
Tương tự, chi Hải Yến, chủ quá bún bò ở thành phố Thủ Đức, cũng chia sẻ là bán thức ăn qua app trước đây còn dễ thở, họ chỉ thu khoảng 15% nhưng sau đó tăng dần và hiện tại đã lên đến hơn 25% cho mỗi đơn hàng. Giá mỗi tô bún bò trước đây trị giá từ 35.000-50.000 đồng. Tuy nhiên, sau này do phí app quá cao nên giá bán cũng phải điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng. Từ khi quán tăng giá thì lượng khách cũng giảm đi đáng kể.
"Cho dù phí app tăng cao nhưng vẫn phải theo app để quảng bá cho quán, còn việc kiếm lời là nhờ vào khách đến quán ăn tại chỗ" - chị Hải Yến bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện truyền thông của một ứng dụng giao đồ ăn không đi thẳng vào vấn đề thu phí cao mà cho biết có hai loại phí trên dịch vụ đặt món, gồm: phí mà nhà hàng trả trên giá món và tiền ship. Để mang lại chi phí tiết kiệm hơn cho khách hàng cũng như cân bằng lợi ích của tài xế, nhà hàng, ứng dụng này cũng có nhiều tính năng như lựa chọn giao hàng tiết kiệm với phí ship rẻ hơn, rồi đặt đơn nhóm để tiết kiệm phí giao hàng vì phí được chia đều ra cho tất cả những người tham gia đặt hàng.
Còn theo đại diện của Baemin, đúng là phí qua app có cao nên khách hàng đặt hàng trên mạng giảm sút mạnh cũng là điều dễ hiểu. Giá trị của một đơn hàng chỉ 50.000 đồng nhưng cộng với phí đã bị đẩy lên 70.000-80.000 đồng. Do đó, khách đặt hàng trên mạng chỉ chịu đặt hàng khi thấy có khuyến mãi, giảm giá mạnh.
Thông tin từ Grab, Gojek, Be cho biết với mức phí trên không chỉ phục vụ cho hoạt động mà còn chi vào các chương trình quảng bá cho các đối tác nhà hàng, quán ăn kể cả đối tác tài xế cũng như hỗ trợ cho ưu đãi giảm giá cho khách hàng. Do đó, nguồn thu trên các app họ không thụ hưởng được bao nhiêu thậm chí họ còn phải bù lỗ.
Bình luận (0)