Tại Tọa đàm: "Tháo gỡ những điểm nghẽn cho thị trường bất động sản năm 2023" do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 9-5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện nay không chỉ rơi vào trầm lắng, không có giao dịch mà còn có những khó khăn hơn thị trường của 10 năm trước đây.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu
Trong đó, gốc rễ của khó khăn hiện tại một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Bởi vốn tín dụng không được khơi thông, lãi suất cho vay cao, zoom tín dụng không nới lỏng, cổ phiếu, trái phiếu làm mất niềm tin của khách hàng.
Theo GS Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS Việt Nam sống được là nhờ cơ chế bán nhà hình thành trong tương lai, đây là giải pháp cực kì thông minh nhưng lại cực kì rủi ro.
Khi dự án bị chậm tiến độ thì nguồn vốn từ người mua nhà ở trong tương lai cũng bị tắc nghẽn.
Do đó, các chủ đầu tư Việt Nam hiện tại đang không tận dụng được nguồn vốn của người mua nhà hình thành trong tương lai một cách hiệu quả.
Thị trường bất động sản hiện nay còn khó khăn hơn 10 năm trước. Ảnh minh họa: Văn Duẩn
Vì vậy, khi dự án bị ách tắc trong khâu phê duyệt sẽ khiến ách tắc về vốn phát triển dự án, làm hàng loạt dự án "đắp chiếu". Nhưng khi ấy, nhiều chủ đầu tư lại dồn tiền của người mua nhà hình thành trong tương lai của dự án này để xử lý cho dự án đang bị ách tắc.
"Hậu quả là dự án không duyệt được dẫn đến khó khăn về tín dụng, khó khăn về cổ phiếu, trái phiếu. Đây là một khó khăn nhiều bề mà hiện nay phải đối mặt"- ông Võ nói.
Liên quan đến các vướng mắc về pháp luật của thị trường BĐS, GS Đặng Hùng Võ cho biết từ lâu Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác chuyên biệt để tháo gỡ khó khăn cho Bộ Xây dựng, trong đó bao gồm cả Bộ Tài chính để đưa ra những giải pháp tháo gỡ về tài chính.
Mới đây, Chính phủ cũng vừa giao UBND cấp tỉnh giao UBND cấp huyện định giá đất cụ thể và được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất.
Tuy nhiên, thực chất các dự án đang ách tắc cụ thể điểm nào trong việc định giá đất? Ví dụ, một dự án được phê duyệt chủ trương cách đây 5 năm nhưng lại có sự vướng mắc trong nhiều Luật nên chưa được thông qua. 5 năm sau, khi dự án được thông qua thì giá đất đã tăng gấp 3 - 4 lần, lúc này liệu ai dám ký sẽ tính giá đất theo mức 5 năm trước, nếu tính theo giá mới thì nhà đầu tư có chịu nổi không?. Do đó không ai dám quyết định và ký vì rủi ro rơi vào vòng lao lý rất cao.
Theo ông Đặng Hùng Võ, ách tắc về pháp luật là lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính gây ra việc cản trở phê duyệt dự án. "Cần giải tỏa những xung đột về mặt pháp luật, khiến người phê duyệt rơi vào rủi ro"- GS Đặng Hùng Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng trước mắt tổ công tác cần phải rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó gửi Chính phủ để trình Quốc hội một Nghị quyết về tháo gỡ cho dự án, trong đó quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại, đây là phương án rất tốt và khả thi. Khi Quốc hội đã duyệt thì địa phương mới dám phê duyệt, nếu Quốc hội không phê duyệt thì địa phương không dám quyết.
Bình luận (0)