Trước kia, sau khi ép lấy dầu, khô bã chỉ được dùng làm phân bón. Thấy lãng phí, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam (KHKTNNMN) đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: Khô dầu hạt bông (KDB) có hàm lượng protein cao (40% - 42%) và gossypol thấp (dưới 0,2%) có thể làm thức ăn nuôi bò sữa. Với giá khô bã khoảng 1.800 đồng/kg, giá hỗn hợp thức ăn bò sữa sẽ chỉ còn khoảng 2.200 đồng/kg, rẻ hơn giá hiện nay khoảng 200 - 300 đồng/kg. “Vấn đề là phải tạo thói quen và lòng tin cho người dân dùng sản phẩm này” - TS Đinh Văn Cải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi bò sữa Viện KHKTNNMN, nói.
Nhu cầu có thể lên đến 17.000 tấn/năm
Hiện nay khu vực miền Đông Nam Bộ có khoảng 32.000 trong tổng số 35.000 con bò sữa của cả nước. Dự kiến đến năm 2005, đàn bò sữa sẽ tăng lên 85.000 con. Nhu cầu thức ăn tinh hỗn hợp cho bò sữa ước tính 600 kg/con/năm và tổng cộng, nhu cầu này sẽ là 51.000 tấn vào năm 2005. Nếu lượng khô dầu bông (KDB) hoặc hạt bông vải chiếm 1/3 trong thức ăn hỗn hợp bò sữa, thì nhu cầu khô bã sẽ là 17.000 tấn/năm. Điều này, ngành sản xuất và chế biến bông vải của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.
Tại trại nuôi bò sữa của Viện KHKTNNMN đặt ở Phú Mỹ (Bình Dương) có 25 con bò. Con nào lông cũng mượt, béo khỏe. Ông Cải nói bò này được thử nghiệm cho ăn bằng khô dầu bông và hạt bông vải. Trên lý thuyết, tỉ lệ protein không bị phân hủy bởi vi sinh vật dạ cỏ của KDB cao hơn khô dầu nành và khô dầu phụng, vì vậy từ lâu người ta đã biết rằng KDB là thức ăn rất tốt với bò sữa. Trại đã sử dụng một dạng KDB có hàm lượng protein thô 20% - 22% và 12% - 15% xơ, cho bò ăn 2 kg/con/ngày. Đồng thời giảm 2 kg thức ăn hỗn hợp. Sau một tháng theo dõi, sản lượng sữa không thay đổi, bò lại béo, mượt hơn. Nhiều chủ trại quanh vùng nhận xét, bò rất thích ăn KDB và họ đã thay thế 2 kg thức ăn hỗn hợp bằng 2 kg KDB trong tổng số thức ăn tinh, nhờ vậy giá thành thức ăn giảm đáng kể. Ông Cải cũng cho biết, hiện nay xí nghiệp sản xuất ngành bông đang tiến hành ép hạt bông lấy dầu theo phương pháp ép vít không qua tách vỏ. Khô bã từ quy trình này có hàm lượng protein thô 22%, béo 11%, xơ 43%. Loại này có thể sử dụng được cho bò thịt và bò sữa.
Nguồn lợi lớn, dễ sử dụng để phát triển đàn bò sữa
Theo các nhà nông, hiện thức ăn gia súc chiếm đến 66%-67% giá thành/kg trọng lượng. Trong khi đó nhiều loại thức ăn phổ biến của bò sữa hiện nay như bã đậu nành, bắp hạt, các loại khoáng chất, vitamin... phần lớn phải nhập ngoại. Còn thức ăn gia súc chế biến từ các nhà máy trong nước mới chỉ chiếm 40% - 45% nhu cầu, giá lại cao, khoảng từ 2.400 đồng/kg - 3.300 đồng/kg. Vì vậy, việc tận dụng một nguyên liệu vốn sẵn có trong nước làm thức ăn là một hướng mở mới cho sự phát triển đàn bò. Theo ông Cải, có thể sử dụng 1/3 KDB trong thức ăn của bò sữa, vừa giảm chi phí giá thành cho 1 lít sữa vừa tăng hàm lượng chất béo trong sữa. Điều này đã được chứng minh tại trại nuôi bò sữa của anh Nguyễn Vinh Quang. Vốn là dân trung lưu ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình - TPHCM), vợ chồng anh lên ấp 1, xã An Tây (huyện Bến Cát - Bình Dương) mua 2 ha đất trồng cỏ nuôi bò. Đàn bò nhà anh có 23 con, được nuôi khỏe bằng KDB trộn ít cám và cỏ voi. Mỗi ngày thu được trên 130 lít sữa tươi. Hiện anh đang muốn thuê đất trồng cỏ để phát triển thêm đàn bò, vì nuôi có lời. Mong muốn của anh Quang và nhiều nông dân nuôi bò trong vùng là giá KDB giảm hơn nữa (hiện nay giá KDB đến tay nông dân là 1.850 đồng/kg) và luôn có nguồn cung ổn định để có thể giảm phần thức ăn hỗn hợp bò sữa nhiều hơn.
Bình luận (0)