Chiều nay, 26-6, tại cuộc họp giao ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên khẳng định việc thực hiện chỉ định thầu đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức BT là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch và giá đất được tính toán chính xác không gây thiệt hại cho Nhà nước…
Giải thích về việc Hà Nội thực hiện chỉ định thầu đối với 5 dự án đường giao thông theo hình thức BT trong khi Nghị đinh 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư mà Chính phủ vừa ban hành tháng 5-2018 lại không cho phép chỉ định thầu đối với các dự án BT nữa, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đây là những dự án được nghiên cứu từ năm 2009-2015, đã được Hà Nội báo cáo, các bộ ngành xem xét. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép TP chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định quá trình thực hiện các dự án BT tuân thủ quy định của pháp luật - Ảnh: Dương Phú
"Lựa chọn đầu tư theo hình thức BT là một trong những chủ trương của TP nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được. Từ năm 2007, Hà Nội đã thực hiện đầu tư một số dự án theo hình thức BT, gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô vừa được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư của TP vào ngày 17-6"- ông Tuấn cho biết thêm.
"5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định quy trình đúng pháp luật, chặt chẽ, đều kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đã xem xét tất cả"- ông Tuấn khẳng định.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng giải thích về việc không tiến hành đấu giá quỹ đất để lấy tiền làm đường mà chọn cách đổi đất lấy đường theo hình thức BT.
Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho hay có nhiều cách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó, có thể lựa chọn con đường thuận lợi, ngắn, tiết kiệm nhất. Không phải các cơ quan chuyên môn không suy nghĩ đến việc đấu giá đất nhưng thực hiện không đơn giản.
"Mỗi năm, Hà Nội đấu giá đất lên đến trên 10.000 tỉ đồng nhưng kinh phí để giải phóng mặt bằng có dự án chiếm đến 80%. Ngoài ra, còn phải đầu tư hạ tầng bởi nguyên tắc muốn đấu giá thì phải đầu tư hạ tầng. Đó là chưa tính đến chi phí cho bộ máy hành chính thực hiện các công đoạn đấu giá đất, giải phóng mặc bằng, quản lý dự án… Con đường đấu giá đất chưa phải là con đường thuận lợi nhất nên Hà Nội lựa chọn thông qua nhà đầu tư để làm. Quá trình làm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, tiết kiệm ngân sách, đỡ chi phí cho các hoạt động khác"- ông Nghĩa nói.
Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng khẳng định "các con đường bao nhiêu tiền, đất bao nhiêu tiền đã được các cơ quan chức năng tính toán hết". Ông cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải làm công khai minh bạch, có giám sát các dự án này. Sai ở đâu, nhũng nhiễu ở khâu nào thì tập thể, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm của pháp luật.
Trả lời câu hỏi về cách tính giá đất để đổi đường, ông Nghĩa cho biết việc này được dựa trên cơ sở quy định của pháp luật với phương pháp, công thức tính cụ thể, hết sức khách quan. Sở TN-MT cũng thuê 1 đơn vị độc lập để xác định giá, sau đó báo cáo hội đồng thẩm định của TP. "Cả quy trình khép kín, vì vậy không bao giờ có chuyện giá đất dự án BT thấp hơn giao cho dự án thương mại cùng vị trí. Không có sự chênh lệch, vì có sự thẩm định của nhiều cơ quan, nhiều bước chặt chẽ"- ông Nghĩa nhấn mạnh.
5 dự án BT tại Hà Nội
1- Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2- Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai
Tổng mức vốn đầu tư khoảng 900 tỉ đồng; giá trị công trình BT là 848 tỉ đồng.
Dự án có chiều dài tuyến đường khoảng 2.600 m, điểm đầu tuyến giao với đường đê sông Hồng, điểm cuối tuyến kết nối với Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens. Chiều rộng nền đường B=40m. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến tháng 12-2019.
2- Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông
Tổng vốn đầu tư khoảng 1.960 tỉ đồng; giá trị công trình BT là 1.637 tỉ đồng.
Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (đường, cấp nước, thoát nước, hào kỹ thuật, cầu La Khê, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, tổ chức giao thông) 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư, đô thị thuộc địa bàn quận Hà Đông. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào quý I/2020.
3- Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5
Tổng vốn đầu tư khoảng 1.620 tỉ đồng; giá trị công trình BT là 1.424 tỉ đồng.
Dự án có chiều dài tuyến đường khoảng 1.800 m, điểm đầu tuyến giao với đường Minh Khai, điểm cuối tuyến giao với đường Vành đai 2,5. Thời thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào tháng 6-2020.
4- Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 9.459 tỉ đồng; giá trị công trình BT khoảng 7.645 tỉ đồng.
Dự án sẽ xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng (phần đi bằng), xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào quý I/2022.
5- Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân
Tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỉ đồng; giá trị công trình BT là 1.344 tỉ đồng.
Dự án này xây dựng tuyến đường với chiều dài 2,85 km, mặt cắt ngang 30 m. Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống PCCC, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm, nổi trong chỉ giới thực hiện dự án. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến là 2018-2020.
Bình luận (0)