Tại chương trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận… và người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.
Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh TP Hà Nội phối hợp tổ chức.
Các đại biểu kích hoạt sự kiện "không dùng tiền mặt" năm 2022 với chủ đề: "Chạm tới tương lai".
Tại sự kiện, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trong đại dịch Covid-19, số lượng người tiêu dùng mua sắm online, truy cập vào các trang thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng mạnh.
Tại Thủ đô các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đã rất phổ biến. Không chỉ có các loại thẻ mà còn thanh toán qua điện thoại di động, sử dụng các tài khoản của ngân hàng, các trung gian thanh toán như ví điện tử...
Hiện tại, việc sử dụng các hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng, mobile money (tiền di động) trên điện thoại di động tại Hà Nội đã rất tiện lợi.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng nhà nước - chi nhánh TP Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại, có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;
Phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua website/ứng dụng thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee, tiki, lazada…) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trao đổi về các hình thức thanh toán mới tại sự kiện
UBND TP Hà Nội đặt ra một số mục tiêu như: Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%. Thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%... 75% Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 35% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.
Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử…
Tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%. Tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt trên 99,7%; tỷ lệ tiếp nhận các dịch vụ điện trực tuyến phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt phấn đấu đạt 100%.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh thanh toán không dùng tiền mặt có mối quan hệ mật thiết với mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tiểu thương chuyển đổi số và giúp hàng chục triệu người tiếp cận dịch vụ tài chính, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TP Hà Nội Hoàng Huyền Trâm cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, dịch vụ công.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ công như tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí…
Tham gia sự kiện, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, giao hàng, tiêu dùng như VP Bank, TP Bank, Techcombank, ShopeePay, Ví Momo, VNPAY, Giao hàng nhanh, AEON Việt Nam, Hebela…
Người tiêu dùng có cơ hội thử nghiệm các hình thức thanh toán mới như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt, thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code).... và nhận nhiều ưu đãi, quà tặng khi thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2021, sự kiện "không dùng tiền mặt" diễn ra trong tháng 11 đã thu hút 150.000 lượt tiếp cận và 12.000 lượt tương tác tại fanpage Facebook của Sự kiện. Các doanh nghiệp tham gia sự kiện, có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 30%, tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua trung gian thanh toán tăng trên 11%.
Những sản phẩm truyền thống Hà Nội thu hút hơn 10.000 lượt truy cập website thương mại điện tử của các doanh nghiệp.
Sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ", các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% đến 250%. Các hệ thống trung tâm thương mại lớn có lượng khách hàng truy cập vào website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần…
Sự kiện "Online xuống phố - kết nối cung cầu" đã có hơn 2.000 lượt người tiêu dùng quan tâm tham gia các trải nghiệm các hoạt động mua sắm trực tuyến, gần 3 triệu lượt truy cập vào các hệ thống website, ứng dụng của các doanh nghiệp tham gia.
Bình luận (0)