xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng

THÙY DƯƠNG ghi

Tham dự tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 13-12, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn, tiếp sức cho nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng bền vững

TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Tiền không thiếu nhưng vốn thì không có

Nền kinh tế hiện nay như một đám ruộng khô trong khi có một hồ nước lớn ở bên cạnh nhưng kênh dẫn nước từ hồ vào ruộng bị tắc nghẽn. Tức là, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức nới room tín dụng thêm 1,5%-2% tổng dư nợ, tương đương khoảng 200.000 tỉ đồng. Như vậy, nước trong hồ sẽ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa "hạn hán". Nếu Tổ xử lý điểm nghẽn của thị trường bất động sản tháo gỡ được những thủ tục hành chính của dự án bất động sản thì sẽ tạo thêm một kênh dẫn vốn nữa.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, phải nỗ lực tiếp tục triển khai gói cấp bù lãi suất 2%. Đồng thời, có biện pháp tổng thể, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) theo hướng xem trái phiếu DN là kênh vốn trung hạn rất quan trọng, từ đó giúp giảm gánh nặng vốn trung hạn cho các ngân hàng thương mại.

Những giải pháp đồng bộ như trên nếu được tiến hành nhanh chóng thì dần dần, nước trên hồ sẽ chảy được xuống ruộng. Tôi tin tưởng rằng từ giờ trở đi sẽ bắt đầu có nước chảy vào ruộng nhiều hơn.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP HCM:

TP HCM hỗ trợ vốn bình ổn cho doanh nghiệp

Ngành NH thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn, trong đó có cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... Chúng tôi đã trực tiếp phối hợp với Sở Du lịch TP HCM để tiếp nhận danh sách DN cần tháo gỡ khó khăn về vốn và tìm hướng xử lý trên tinh thần dù DN có vay hay không vay được vốn đều phải được trả lời rõ ràng. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh TP HCM có riêng một chương trình bình ổn với lãi suất cho vay tương đối thấp cho DN. Hiện có 31 DN đang vay bình ổn và duy trì dư nợ.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 2.

Riêng về chương trình kết nối NH và DN, tổng gói kết nối đạt khoảng 443.000 tỉ đồng, gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... Đến nay đã giải ngân được khoảng 93% tổng số vốn cam kết và có thể giải ngân vượt số đăng ký trong những ngày còn lại của năm nay. Năm 2023, chương trình kết nối NH và DN sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Nhiễu động vẫn trong tầm kiểm soát

Thị trường tài chính có dấu hiệu đi xuống từ tháng 1-2022 khi cơ quan quản lý nhà nước xử lý hành vi không tuân thủ quy định về báo cáo khi bán cổ phiếu của lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn FLC. Động thái của nhà nước nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai của thị trường chứng khoán, cũng là để bảo vệ nhà đầu tư. Có thể do thiếu thông thông tin nên nhà đầu tư nhỏ lẻ bị dao động. Đồng thời, không loại trừ trường hợp nhân cơ hội này tạo làn sóng tranh thủ thu lợi nhuận.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 3.

Tháng 4-2022, khi cơ quan quản lý bắt đầu rà soát hoạt động của DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, cũng đã phát hiện một số DN sử dụng sai mục đích phát hành, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Khoảng 1-2 tháng trở lại đây, những vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu cơ bản được xử lý. Thị trường tài chính nhìn chung có nhiễu động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

TS CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Cân bằng trong điều hành chính sách

Chúng ta phải cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng vì nếu chặt hoặc lỏng quá đều không được. Thời gian qua, có thể chúng ta kiểm soát rủi ro mạnh tay nên gây ra tắc nghẽn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 4.

Chính sách tiền tệ vẫn đang thu hẹp, tỉ giá tương đối cao, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối tương đối nhiều. Bên cạnh đề nghị nhận diện rõ thêm về chính sách tài khóa, chúng tôi kiến nghị chính sách tài khóa năm 2023 cần bổ sung nội dung hỗ trợ người dân về thuế, phí hay trợ giá...

Về cân bằng lãi suất và tỉ giá, muốn kiểm soát tốt tỉ giá như NHNN đã làm thời gian qua thì phải tăng lãi suất. Nhưng vấn đề là tăng tới mức độ nào? DN có chịu được không? Chúng tôi đã có mô hình tính toán sơ lược và thấy rằng áp lực lãi suất, tỉ giá năm tới dự báo sẽ nhẹ hơn rất nhiều. Nếu đến quý IV/2023, Mỹ giảm lãi suất do rơi vào nguy cơ suy thoái thì Việt Nam có thể tính toán việc cân bằng lãi suất và tỉ giá cho phù hợp.

Về cân bằng tài chính, năm 2021, tổng tín dụng chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng 11 tháng năm 2022, nền kinh tế dựa khá nhiều vào vốn tín dụng. Do đó, cần cân bằng hơn giữa các kênh trái phiếu trong nước và quốc tế, vốn tín dụng ngân hàng...

Ông NGUYỄN MINH TRÍ, Thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank):

Nỗ lực giảm lãi vay

Trong cuộc đua lãi suất vừa qua, Agribank luôn thận trọng, lắng nghe và điều chỉnh những hạn chế, đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất. Ngay trong tháng 12-2022, chúng tôi giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. Chúng tôi sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để góp phần tạo điều kiện cho DN bớt khó khăn bởi DN tồn tại thì NH cũng phát triển.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 5.

Hiện tại, khả năng nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái là rất lớn. Tác động từ bên ngoài buộc NH phải quan tâm đến yếu tố an toàn. Khi cho vay, một nguyên tắc rất quan trọng là phải cùng thắng với DN. Khi hoạt động có hiệu quả thì chúng tôi mới có khả năng thu hồi được vốn; còn DN không có doanh thu, không có dòng tiền thì làm sao NH dám cho vay?

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu

Các ý kiến của đại diện NHNN, chuyên gia, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tại tọa đàm đã giúp nhận diện rõ hơn những tồn tại của thị trường tài chính Việt Nam cũng như khó khăn của DN trong giai đoạn hồi phục sau dịch COVID-19.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 6.

Một trong những giải pháp quan trọng cho thị trường tài chính hiện nay là cần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán. Thị trường đã "bốc hơi" hàng chục tỉ USD dù kinh tế vẫn đang tích cực; thị giá cổ phiếu của nhiều DN thấp hơn năng lực; nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán ra trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng... Thực trạng này đòi hỏi cần thiết phải có một môi trường đầu tư chứng khoán minh bạch.

Tương tự, với thị trường trái phiếu DN, cũng cần bảo đảm sự minh bạch, công khai, rõ ràng về quyền lợi của DN, NH và nhà đầu tư. Thời gian qua, có hiện tượng NH chỉ làm dịch vụ phát hành trái phiếu nhưng nhà đầu tư hiểu rằng NH đứng ra bảo lãnh trái phiếu. Việc minh bạch hoạt động phát hành trái phiếu sẽ giúp NH không bị ảnh hưởng uy tín mà mình đã dày công xây dựng.

Về phía DN sản xuất - kinh doanh, cần tự đổi mới, sáng tạo, năng động hơn để làm ăn hiệu quả. NH không phải là nơi cấp tín dụng từ nhà nước mà NH chính là "DN kinh doanh đặc biệt".

Ở góc độ vĩ mô, để góp phần khơi thông dòng vốn, cần triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công; cân bằng giữa các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế; cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá.

Cuối cùng, vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí cũng rất quan trọng. Riêng Báo Người Lao Động đã vào cuộc mạnh mẽ với hàng loạt vệt bài về các vấn đề kinh tế. Trong thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục truyền thông đúng, trúng, nhanh và toàn diện, tập trung về những quyết sách từ phía nhà nước để người dân, bạn đọc nắm bắt.

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel:

Tế bào của xã hội đang rất khó khăn

DN là tế bào của xã hội nhưng đang rất khó khăn. Điều tôi trăn trở, băn khoăn là thiết kế chính sách đã kịp chưa, đúng chưa, nhanh chưa? Chúng tôi đề xuất có hướng cải thiện.

Hài hòa lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 7.

Chẳng hạn, với gói hỗ trợ 2% lãi suất, số lượng DN được hưởng, số tiền giải ngân được là bao nhiêu? Bản chất của câu chuyện hiện nay là nhà nước phải đồng hành với DN bởi đang có sự lệch pha. Chúng ta muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng DN nhưng ngành du lịch, hàng không lại không được đưa vào diện ưu đãi dù cũng đang thiếu vốn trầm trọng. Hay như bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp và trụ cột của nền kinh tế. Khi hoạt động có mặt tốt và mặt chưa tốt, mặt chưa tốt thì cần chấn chỉnh. Nhưng bây giờ, tất cả đều khó. DN đang tắc nghẽn ở cả 3 kênh vốn là NH, chứng khoán và trái phiếu. Đơn cử, DN niêm yết trên sàn chứng khoán muốn xin tăng vốn điều lệ, đã có nhà đầu tư rồi, nhưng hồ sơ đưa lên 5 tháng nay chưa duyệt. Chúng tôi mong muốn chính sách thiết kế cho kênh này thông thoáng hơn. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo