Những nghệ nhân “lão làng”
Ông Phạm Hồng Lựu (Sáu Lựu, 76 tuổi, ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), một trong những lão làng trong nghề “làm đẹp” kiểng, kể khoảng năm 1980 ông đã bắt đầu đam mê các loại cây kiểng. Từ chỗ chơi kiểng, sửa kiểng cho đẹp, dần dần ông trở thành thợ chuyên sửa kiểng. “Vừa qua có một đại gia ở miền Tây thuê tôi đến xem 2 cây mai ở Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ). Yêu cầu của người này là tôi phải tính được sau khi đem về “làm đẹp” thì vài năm sau 2 cây này phải có giá cao gấp mấy lần so với lúc mua”, ông Lựu nói.
Theo ông Lựu, người thợ sửa kiểng trước tiên phải luyện cặp mắt và khả năng trừu tượng sao cho chỉ cần nhìn lướt qua là có thể đánh giá, phân tích cây kiểng đó phải sửa lại tàn, gốc, dáng cây như thế nào. “Có nhiều cây kiểng cổ thụ không hấp dẫn người xem nhưng có những cây kiểng mini vừa nhìn vào đã rất hấp dẫn. Để tạo được độ cuốn hút cho cây kiểng, người thợ sửa kiểng phải sắp xếp lại tàn, chi, dáng thế… của cây cho hài hòa, bắt mắt”, ông Lựu chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Lựu, người chơi kiểng phải biết được đặc tính từng loại cây, tìm hiểu tính năng sinh trưởng như thế nào để bứng cây, hạ tàn cho an toàn. Chẳng hạn, cây nguyệt quế không được cắt trụi vì đây là cây cần phải có nhánh thở (tàn và lá) để hấp thu khí trời, trao đổi ánh sáng; đối với mai, có thể cắt hết tàn, khi bứng có thể giũ bỏ đất.
Ông Lựu đang tạo thế cho cây khế kiểng gần 100 năm tuổi ẢNH: DUY TÂN
Nghề “hái” ra tiền
Một cây kiểng bình thường, nếu qua tay các nghệ nhân tài hoa có thể nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật, phù hợp phong cách người Việt. Việc sửa, chăm sóc kiểng cũng rất đa dạng, có người đến tận nhà, tận vườn để sửa, có người nhận cây mang về nhà chăm sóc, cũng có người hợp đồng sửa dài hạn...
Nghề sửa kiểng đang rất thịnh hành ở miền Tây, mùa nào cũng làm không hết việc nên dễ “hái” ra tiền. Nhưng cao điểm nhất là vào dịp cận tết, do các cơ sở kinh doanh hoặc các chủ vườn cần tạo nhiều dáng cây độc, lạ để níu chân khách hàng. Giới mê kiểng sẵn sàng mời thợ sửa kiểng đến tận nhà chăm sóc để có cây kiểng đẹp chơi tết, đặc biệt là những cây thuộc “hàng hiếm”. Tiền công trả cho một người thợ bình thường từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày; riêng những nghệ nhân đã có “thương hiệu” số tiền phải trả khoảng 1 triệu đồng/người/ngày.
Ông Lựu cho biết hiện có nhiều người làm nghề sửa kiểng nhưng đa phần sửa theo quán tính, cảm tính chứ không theo kỹ thuật, nghệ thuật. Muốn sửa kiểng phải am hiểu nhiều điều. Khi nhìn cây thô phải định hình được tàn, chi để khi quấn dây đi theo nó chứ không phải theo ý mình. Người sửa kiểng phải tạo ra sản phẩm có hồn, khi làm việc cần tập trung cao độ, có cảm hứng... mới truyền được phần hồn vào cây kiểng, tạo ra được những chi tiết đẹp. Còn nếu cố làm cho xong thì chỉ cho ra tác phẩm vô hồn.
Bình luận (0)