Ngày 13-4, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương vì cho rằng hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch, có dấu hiệu "trục lợi chính sách" trong chủ trương cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 của Chính phủ.
Theo doanh nghiệp (DN) này, ngày 11-4 (quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 có hiệu lực từ 0 giờ cùng ngày), nhân viên công ty đã túc trực trên máy tính đến 21 giờ để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở, DN cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của hải quan. Công ty lên hệ thống phần mềm hải quan điện tử Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo như sau: "Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung Tâm". Đến ngày 12-4 (chủ nhật), công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Quá bức xúc công ty tìm hiểu mới biết hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 12-4 đến 3 giờ sáng là đóng lại vì đã đủ hạn ngạch 400.000 tấn.
Kho trữ lúa, gạo của doanh nghiệp ở ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nếu hải quan cho mở tờ khai thì phải ưu tiên cho các lô gạo của các DN đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. "Việc rất đơn giản vậy mà hải quan không thực hiện, để chỉ trong hơn 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã cho khai hết 400.000 tấn. Việc làm của hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng về bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách… hay không?" - ông Bình bức xúc và kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương có biện pháp để tránh việc trục lợi chính sách.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) cũng cho rằng việc cho mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm một cách lặng lẽ là hết sức "mờ ám", không công bằng. Khi bất ngờ dừng xuất khẩu gạo, công ty ông có 1 lô gạo 625 tấn đã được đóng container và 2 sà lan chở gạo khối lượng hơn 1.500 tấn nằm ở cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Trao đổi với phóng viên chiều 13-4, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xác nhận có rất nhiều DN hội viên không khai được hải quan điện tử để xuất khẩu gạo trong tháng 4. "Hiện chúng tôi đang tập hợp ý kiến của các đơn vị để làm kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này. Nguyên tắc là DN khai trên hệ thống tự động của hải quan, ai khai trước được trước. Nhưng không rõ có DN nào có lượng hàng chưa xuất khẩu lớn hoặc khai khống số lượng mà chỉ trong vài giờ đồng hồ đã hết hạn ngạch 400.000 tấn. Ngay cả Gentraco (DN do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT - PV) cũng không khai được hải quan do hết hạn ngạch. Ai mà thức nửa đêm để canh khai hải quan?" - ông Kiên nói.
Theo Quyết định 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4 của Bộ Công Thương, thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Tờ khai có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai hải quan chạm mốc 400.000 tấn. Theo nguyên tắc này, DN có thông tin về thời điểm mở cổng đăng ký tờ khai hải quan sẽ có lợi thế, DN không biết thông tin sẽ mất phần.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), việc hạn ngạch xuất khẩu thấp hơn nhu cầu của DN nên cần có cách phân bổ hợp lý. "Có lẽ chúng ta nên chia theo cách truyền thống là dựa vào thành tích xuất khẩu gạo trong 6 tháng qua của DN. Ví dụ, 6 tháng qua cả nước xuất khẩu được 3 triệu tấn, sản lượng đã xuất khẩu của DN là bao nhiêu thì giờ được xuất theo tỉ lệ tương ứng, DN nào hiện không có hợp đồng thì mất quyền xuất khẩu" - ông Bích đề xuất.
Tổng cục Hải quan nói gì?
Tối 13-4, Tổng cục Hải quan đã có thông tin báo chí nêu rõ cơ quan này thực hiện đăng ký xuất khẩu gạo theo nguyên tắc quản lý hạn ngạch của Bộ Công Thương.
Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống. Kể từ 0 giờ ngày 12-4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận và trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch. Theo đó, tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống dừng tiếp nhận đăng ký tờ khai hải quan nếu chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (400.000 tấn).
Thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 0 giờ ngày 12-4 đến 19 giờ 34 phút ngày 12-4 đã có 40 DN đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục hải quan với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999,73 tấn.
Ph.Nhung
Ai có phần trong hạn ngạch 400.000 tấn?
Theo thông tin phóng viên nắm được, có khoảng 40 DN đã thành công trong việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo trong tháng 4. Trong đó, DN đăng ký sản lượng lớn nhất lên đến gần 96.000 tấn (gần 25% tổng hạn ngạch), tiếp theo là "đại gia" ngành gạo phía Nam đăng ký hơn 38.000 tấn, DN đứng thứ 3 gần 36.000 tấn, DN đăng ký được số lượng ít nhất chỉ 9 tấn gạo.
Bình luận (0)