Từ năm 1999 đến nay, số vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái tăng với tốc độ 2,6 lần/năm với trình độ ngày càng tinh vi hơn. Chống hàng giả đang là vấn đề nan giải thứ hai của DN sau khó khăn về vốn. Đây là vấn đề đặt ra tại cuộc tọa đàm “Hàng nhái và các biện pháp ngăn chặn” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 11-11 tại TPHCM.
Đầu tư 100.000 USD để sản xuất mẫu mã mới
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó Giám đốc Công ty Nước khoáng Long An, nói: Sản phẩm nước khoáng La Vie của công ty đã bị nhái từ năm 1996 đến nay với trên 40 sản phẩm nhái nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhái kiểu dáng công nghiệp. Công ty đã in chữ La Vie nổi trên nắp chai, dưới đáy chai, nhưng tình trạng không khả quan hơn nên năm 2002, công ty quyết định đầu tư 100.000 USD làm khuôn mới, sản xuất mẫu chai mới. Công ty Cà phê Trung Nguyên cũng chọn giải pháp đổi mới toàn bộ hệ thống nhận diện sản phẩm cà phê Trung Nguyên từ bảng hiệu, bao bì sản phẩm đến phong cách trưng bày hàng hóa, đồng phục của nhân viên của 400 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc để tạo sự khác biệt với sản phẩm nhái.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Kinh doanh tiếp thị Công ty Vĩnh Cửu, bức xúc: Những công ty lớn có nguồn tài chính có thể thay đổi mẫu mã, công nghệ hiện đại. Còn những công ty vừa và nhỏ lấy đâu ra tiền để có thể thay đổi toàn diện như vậy? Một số cơ sở ở Long An, Bến Tre không những nhái mà còn lấy thương hiệu Vĩnh Cửu đặt cho cơ sở của mình. Nhưng Vĩnh Cửu chỉ có thể trả lời thắc mắc của khách hàng là không mở chi nhánh ở tỉnh vì cơ sở trên cũng được cấp đăng ký sở hữu trí tuệ.
Chưa chứng minh được thiệt hại, chưa xử !
Ông Phan Văn Kiệt, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty May Việt Tiến, nói: Mỗi năm chi phí dành cho việc chống hàng giả, hàng nhái của Việt Tiến khoảng 500 triệu đồng. Thế nhưng các cơ quan chức năng thiếu sự nhiệt tình để chung sức với DN vì hạn chế về trình độ và năng lực. Đơn cử một trường hợp nhái sản phẩm áo sơ mi Việt Tiến, cơ quan chức năng cho rằng, lừa dối phải gây thiệt hại, nhưng chưa chứng minh thiệt hại thì chưa xử được. Còn những thiệt hại vô hình rất khó xác định chính xác. Cục Sở hữu Trí tuệ cũng không có kinh nghiệm giải quyết vi phạm. Trong trường hợp 8 công ty xi măng mua nguyên liệu của Công ty Xi măng Hà Tiên và lấy luôn nhãn hiệu xi măng Hà Tiên, Cục Sở hữu Trí tuệ lại “giải quyết”: Hà Tiên không bán nguyên liệu cho các công ty đó.
Thủ tục rườm rà, chưa kịp xử, phải “xù”!
Thủ tục hành chính xử lý hàng nhái, hàng giả cũng quá rườm rà. DN phát hiện cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả, báo cho cơ quan chức năng nhưng khi đội xử lý làm xong thủ tục hành chính, đến hiện trường thì tất cả đã được tẩu tán. Bà Tuyết Vân cho biết: Mỗi khi phát hiện một sản phẩm nhái, công ty âm thầm đi thu thập chứng cứ. Đến khi hoàn tất xong mới trình báo với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Thích, đội trưởng đội chống hàng giả Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM, nói: “DN nên tự cứu mình trước khi chờ cơ quan công quyền, vì nhân sự của đội chống hàng giả TPHCM chưa đến 20 người, kinh phí lại eo hẹp”. Ông Đỗ Thượng Ngãi, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nói: Các lực lượng thực thi thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau nên việc phối hợp không đồng bộ và kịp thời. Kiến thức nghiệp vụ liên quan đến hoạt động chống hàng giả còn hạn chế. Khung hình phạt còn thấp, chưa đủ để răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Bình luận (0)