Tại hội thảo "Chống hàng nhái, hàng giả bảo vệ thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng (NTD)" do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Tạp chí Thương hiệu Việt vừa tổ chức tại TP HCM, các đại biểu cho rằng hoạt động của các đối tượng sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp; công tác chống hàng gian, hàng giả không phải của một đơn vị nào mà của toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là chính bản thân NTD.
Hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng thật tại một hội chợ
Báo hại hàng thật
Các đại biểu đều đồng tình rằng hiện hàng gian, hàng giả đã có mặt "trên từng cây số", từ buôn thúng, bán bưng đến tiệm tạp hóa ở nông thôn hay ngay cả ở các chợ, siêu thị ở đô thị lớn.
Theo Cục Quản lý Thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, năm 2012, cả nước đã phát hiện xử lý 13.101 vụ hàng giả, kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính trên 53 tỉ đồng. Trong quý I/2013, cả nước phát hiện thêm 3.115 vụ, xử lý vi phạm hành chính 13,5 tỉ đồng, trị giá vi phạm trên 13 tỉ đồng.
Trách nhiệm người tiêu dùng?
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thương hiệu Việt, cho rằng hàng nhái, hàng giả lộng hành một phần là do gian thương hám lợi nhưng có một phần do khuyết điểm của NTD, của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Bởi do nhận thức của NTD chưa đầy đủ, thiếu thông tin về sản phẩm, thậm chí có khi NTD biết là sản phẩm nhái, giả nhưng họ vẫn chấp nhận mua vì những mặt hàng đó đáp ứng được nhu cầu của mình, giá lại rẻ và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng có NTD ngại đụng chạm tới luật pháp, chấp nhận mua những món hàng dù chưa biết là thật hay giả. Khi lỡ mua thì phải dùng và tự rút kinh nghiệm để tránh bị kiện tụng. Với cách nghĩ như vậy, nhiều NTD đã gián tiếp tiếp tay cho hàng nhái, giả phát triển.
"Khi biết người dân bị thiệt hại vì dùng sản phẩm phân bón giả, công ty đến động viên họ khiếu nại, khiếu kiện thì họ đều trả lời "tôi còn làm ăn chú ơi, con tôi còn nhỏ…" - ông Dương Hùng Đỗ kể.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm cũng bức xúc: "Các sản phẩm kém chất lượng là hàng nhái, hàng giả dễ gây tổn thương da cho người sử dụng nhưng chúng tôi không biết phải kêu cứu với ai vì hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại. Thực tế, để chống lại nạn hàng gian, giả, nhái không chỉ có trách nhiệm lớn từ NTD mà cả doanh nghiệp phải cùng NTD theo sát vụ việc. Đồng thời phải được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý.
Hàng giả từ Trung Quốc ngày càng nhiều Nhiều ý kiến cho rằng hàng giả "made in Vietnam" hiện nay đáng báo động. Theo Cục QLTT, ngày càng có nhiều hàng giả được tuồn từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhiều nhất là thực phẩm, hàng thời trang, may mặc, gia dụng, tiêu dùng. Vụ trét đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc rồi gắn "mác" khoai tây Đà Lạt để bán giá cao là điển hình. Hoặc mới đây, QLTT TP HCM đã triệt phá kho hàng chứa trên 50.000 sản phẩm của một công ty xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 21.000 sản phẩm ngoại của Trung Quốc nhưng lại dán nhãn hiệu Việt Nam. |
Bình luận (0)