Ngày 5-7, Tập đoàn FLC đã đệ trình công văn tới UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị phê duyệt chủ trương tài trợ lắp đặt hệ thống đèn đêm tại cảng hàng không Côn Sơn thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu được chấp thuận, tập đoàn FLC sẽ triển khai thực hiện kế hoạch trên ngay trong năm 2020.
Cảng hàng không Côn Sơn thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Hoàng Triều
Hiện tại, do chưa có hệ thống đèn đêm, sân bay Côn Sơn chỉ hoạt được vào ban ngày (khoảng 12 giờ/ngày). Bên cạnh đó, sân bay cũng chưa tiếp nhận được các chủng loại máy bay từ A320/A321 trở lên.
Sân bay Côn Đảo đi vào hoạt động từ năm 2004 và đang khai thác chặng bay từ TP HCM/Cần Thơ bằng máy bay ATR-72 do Vasco (công ty thành viên của Vietnam Airlines) khai thác, sức chứa chỉ 70 hành khách. Ngoài ra, đường bay Vũng Tàu - Côn Đảo do tổng công ty trực thăng khai thác với tần suất 3-4 chuyến/tuần nhưng chi phí cao, chủ yếu phục vụ du lịch cao cấp
Sân bay Côn Đảo hiện được xếp loại theo tiêu chuẩn dân dụng cấp 3C, chỉ khai thác được các loại máy bay ATR-72 và tương đương, phục vụ 12 giờ một ngày, không thể bay đêm vì thiếu hệ thống đèn chiếu dẫn. Nhà ga có thể đón 400.000 hành khách mỗi năm.
Cục Hàng không đang hoàn thiện quy hoạch sân bay Côn Đảo theo hướng đảm bảo khai thác máy bay mới với tải trọng lớn hơn rất nhiều.
Trước đó, Vietjet cũng đề xuất muốn khai thác đường bay đến Côn Đảo bằng máy bay A319. Vietjet Air dự kiến triển khai đường bay Hà Nội - Côn Đảo, TP HCM - Côn Đảo với tuần suất 4-6 chuyến/ngày. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động thái mới.
Được biết, Bamboo Airways cũng đã nghiên cứu và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kế hoạch đưa vào khai thác dòng máy bay phản lực hiện đại, có cấu hình 110-120 ghế. Dự kiến, từ ngày 1-8-2020, hãng sẽ bắt đầu bay tới sân bay Côn Đảo từ nhiều tỉnh thành, địa phương, trong đó đa phần sẽ là các đường bay hiện chưa hãng hãng không nào khai thác do các hạn chế về sân bay và tàu bay.
Trong một lần trao đổi về các loại máy bay đang được nghiên cứu để bay đến Côn Đảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết Cục Hàng không đang nghiên cứu khả năng khai thác bằng máy bay Airbus 319 bằng cách nào đó sớm nhất và đầu tư nhỏ. Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều nghiên cứu sử dụng máy bay này cho đường bay Côn Đảo song chưa biết mẫu máy bay này có thể hạ cánh ở sân bay Côn Đảo được không. Độ dài của đường cất hạ cánh có thể đáp ứng được, nhưng sức chịu tải của đường cất hạ cánh, sân đỗ có thể chưa đạt được và đang phải nghiên cứu.
Hiện nay Côn Đảo chỉ đáp ứng được loại máy bay ATR-72, Fokker 70 hay trước đây có Bombardier của Air Mekong đã từng bay đến Côn Đảo song sau này hãng hàng không đã rời thị trường; sau này Vietnam Airlines muốn thay đội máy bay ATR 72 thì định thuê máy bay của Embraer.
Ông cũng cho rằng ngoài Airbus 319, Bamboo Airways có thể quyết định bay bằng Bombardier, Embraer, hay thậm chí bằng Xian MA60 của Trung Quốc.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng VASCO đang ở vào thế độc quyền không phải do họ mong muốn. Phía sân bay Tân Sơn Nhất cũng không muốn đón ATR-72 do cất cánh hay hạ cánh đều chậm, không tăng được tần suất khai thác ở sân bay này, nhiều chuyến bay từ Côn Đảo phải hạ cánh ở sân bay Cần Thơ. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang đóng cửa một đường băng và một số đường lăn để nâng cấp, sửa chữa đã ảnh hưởng giờ cất hạ cánh, đặc biệt là chuyến đến Côn Đảo.
Từ đầu tháng 2-2020, Vietnam Airlines triển khai hàng loạt chính sách mới để hút khách đến đường bay Côn Đảo như hành khách từ nhiều địa phương chỉ đặt vé một lần cho hành trình tới Côn Đảo, hành lý được chuyển thẳng, giảm giá vé, hành khách trung chuyển qua TP HCM được làm thủ tục check-in ngay tại quầy, nối chuyến (transfer) ở Tân Sơn Nhất, được giải quyết nhanh chóng hơn so với làm thủ tục tại quầy thông thường. Tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP HCM, Cần Thơ và Côn Đảo lên tăng lên nhanh chóng. Đây là đường bay thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất sau giai đoạn cách ly xã hội do Covid-19, lên tới 22-27 chuyến/ngày.
Bình luận (0)