Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, những tác động của dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến doanh thu các hãng hàng không trong nước ước giảm 25.000 tỉ đồng trong năm 2020. Trong đó, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến giảm 2,5 triệu khách, doanh thu hụt 12.000 tỉ đồng. Vietjet Air cũng bị ảnh hưởng doanh thu tương đương. Jetstar Pacific dự kiến giảm doanh thu 732 tỉ đồng.
Lượng khách có thể giảm tới 55%
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành trong cuộc họp ngày 28-2, đã không ngại bày tỏ dịch bệnh kéo lùi ngành hàng không trong nước chậm lại 3-4 năm, tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0. Các hãng không có khách nên phải dừng bay, riêng Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay và bây giờ 40 máy bay nằm chờ.
Bản thân Vietnam Airlines buộc phải đưa ra các giải pháp chưa từng có tiền lệ, mục tiêu không còn là lợi nhuận nữa mà là dòng tiền và làm sao để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay. Lãnh đạo cấp cao trong HĐQT và các lãnh đạo khác của tổng công ty sẽ giảm lương 40%, nhân viên chưa áp dụng nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Với lao động nước ngoài, trước mắt Vietnam Airlines đã làm việc để phi công sẽ nghỉ không lương trong khoảng 2 tuần, người lao động Việt Nam tại nước ngoài cũng nghỉ khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá dịch bệnh đã kéo lùi ngành hàng không trong nước chậm lại 3-4 năm. Ảnh: TẤN THẠNH
"Máy bay phải dừng hoạt động nhưng cũng không thể cho thuê vì dịch bệnh bùng phát mạnh. Chúng tôi đã tìm được nguồn đối tác châu Âu để cho thuê máy bay từ tháng 1, hai bên đã đàm phán và làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc máy bay nhưng tuần vừa qua đối tác đã hủy thuê máy bay vì châu Âu cũng đang bị dịch bệnh nên khách đi lại giảm" - ông Thành cho biết.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), chia sẻ: "Khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh, chúng tôi dự báo chỉ giảm 30%-35% khách nhưng 1 tuần gần đây, khi Hàn Quốc bùng phát dịch, dự báo sản lượng khách giảm tới 50%-55%. Trong đó, khách quốc tế giảm 25 triệu lượt, khách nội địa giảm 20 triệu. Các hãng hàng không thiệt 1 thì ACV thiệt 1,2-1,5 lần. Bởi, hoạt động của chúng tôi liên quan đến toàn bộ hoạt động dịch vụ qua cảng".
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhấn mạnh đây là thời điểm khó khăn chung của ngành hàng không toàn cầu và sẽ còn kéo dài. Theo đánh giá của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới), ước tính doanh thu ngành hàng không thế giới giảm từ 4-5 tỉ USD xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý I/2020.
Rất cần Chính phủ hỗ trợ
Trước những tác động nặng nề của dịch bệnh, các hãng hàng không trong nước liên tục đưa ra các chương trình kích cầu, giảm giá, phối hợp với các công ty du lịch tạo nên các gói khuyến mại với chương trình hấp dẫn nhằm hút khách… Tuy nhiên, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành đánh giá cao sự cố gắng của các hãng hàng không, trong khó khăn không thể nằm chờ, song trên thực tế rất khó để có thể thực sự kích cầu trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các biện pháp của Chính phủ về nhập cảnh khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc…; tâm lý e ngại của người dân.
Cần phải nói thêm rằng cùng với thị trường Đông Nam Á, thì thị trường Đông Bắc Á vô cùng quan trọng với các hãng hàng không Việt Nam. Thống kê cho thấy khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản chiếm hơn 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng trong thời gian tới, bên cạnh kích cầu nội địa, các hãng hàng không nên tìm kiếm những thị trường mới, đông dân và chưa có dịch, như thị trường một số nước Tây Âu. "Các hãng có thể mở thêm đường bay mới như đến Ấn Độ, thị trường có 1,3 tỉ dân, tiềm năng còn rất nhiều" - ông đánh giá.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đó là về lâu dài, còn trước mắt, với tâm lý e ngại của người dân trong nước và cả quốc tế rất khó có thể kích cầu thị trường. Lúc này, cần đến những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, như: Xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…
Một cán bộ ngành hàng không cho rằng các doanh nghiệp hàng không đã bắt đầu "thấm" tác động của dịch bệnh. Dù có vốn dự trữ, song hàng không là ngành chi phí rất lớn, khách sụt giảm, doanh thu không có trong khi hằng ngày vẫn phải chi phí rất nhiều tỉ đồng, sẽ đến giai đoạn giảm quy mô hoạt động, cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bài toán khó
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng không là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 do nhu cầu đi lại, du lịch giảm sút mạnh ở nhiều thị trường. Do đó, việc tìm giải pháp vượt khó của các hãng hàng không trong nước thời điểm này không đơn giản. Một chuyên gia khuyến nghị các hãng có thể nghiên cứu bổ sung lượng khách từ các thị trường khác như Nga, thúc đẩy du lịch, đưa du khách từ Nga sang Việt Nam và nhiều thị trường khác… Bên cạnh đó, bắt tay với các hãng lữ hành, đưa khách quốc tế từ những điểm đến chưa có dịch tới Việt Nam nhằm gia tăng nguồn khách. Và để điểm đến Việt Nam hấp dẫn với khách quốc tế cũng cần chính sách miễn giảm phí visa.
"Nhà nước có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ các hãng hàng không vượt khó nhưng trong bối cảnh ngân sách có hạn, nguồn thu ngân sách thời gian tới giảm sút vì dịch bệnh, doanh nghiệp các ngành hàng khác cũng gặp khó… thì bài toán này với ngành hàng không cũng là không dễ" - vị chuyên gia này phân tích.
T.Phương
Bình luận (0)