TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là vùng sản xuất rau lớn nhất nước với sản lượng hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Nhờ chất lượng vượt trội nên rau và nông sản Đà Lạt nói chung được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.
Mạo danh cả đặc sản
Gần đây, vì lợi nhuận, nhiều chủ vựa tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… ở Lâm Đồng đã ồ ạt nhập nông sản Trung Quốc với giá rất rẻ, chất lượng không được quản lý. Sau đó, bằng nhiều chiêu trò, họ đánh tráo thành nông sản Đà Lạt rồi đưa ra thị trường.
Hàng loạt nông sản Trung Quốc như bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua… được nhập về và cạnh tranh với hàng trong nước. Ngay cả nhiều đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây cũng bị “đụng hàng” Trung Quốc.
Về hình thức, nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt lớn nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng chính hiệu, đâu là hàng giả nhãn mác.
Ông T.H.A, một trong những người chuyên canh nông sản sạch tại huyện Đơn Dương, bức xúc: “Nhiều vựa ở đây nhập nông sản Trung Quốc về gắn nhãn mác hàng Đà Lạt. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thậm chí cung cấp cả video làm chứng cứ nhưng vẫn không mang lại kết quả. Cứ tình trạng này, nông dân làm ăn chân chính sẽ lâm cảnh khó khăn, rau củ quả Đà Lạt mất chỗ đứng trên thị trường”.
Nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra mưa lớn, thủy điện lại xả lũ nên gây ngập úng, hư hại hàng ngàn hecta hoa màu khiến sản lượng giảm mạnh, giá tăng cao. Lợi dụng thời cơ này, nhiều chủ cơ sở kinh doanh đẩy mạnh nhập hàng Trung Quốc về “hô biến” thành nông sản Đà Lạt.
Mới đây, Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Đơn Dương đình chỉ hoạt động một trung tâm phân phối, bán lẻ nông sản tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương do có hành vi biến hàng Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt. Chủ trung tâm này thừa nhận dù chưa được cấp phép kinh doanh nhưng từ tháng 9-2016 đã tổ chức thu mua nông sản Trung Quốc, bình quân 16 tấn/ngày, để sơ chế, đóng gói với nhãn mác “Rau Đà Lạt” rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nông sản trong nước yếu thế
Đại diện Công ty Dream Incubator, đơn vị được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt trong 2 năm để làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp với Lâm Đồng, nhận định: Nông sản Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Theo vị đại diện này, nông sản Trung Quốc đang chiếm hơn 70% thị phần đối với một số mặt hàng ôn đới - thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TP HCM, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc.
Mỗi vụ, có tới hàng ngàn tấn khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt, phủ đất đỏ lên giả mạo sản phẩm địa phương rồi đưa ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự mạo danh là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ. “Khi được bày bán chung với nông sản Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phân biệt, mua nhầm nên rau Đà Lạt đang mất dần thị trường” - ông Sơn lo ngại.
Để bảo vệ nhà nông chân chính, người tiêu dùng và thương hiệu rau Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đưa ra lộ trình từ nay đến hết năm 2017, toàn bộ nông sản Đà Lạt và vùng lân cận phải gắn nhãn xuất xứ trước khi đưa ra thị trường.
Giá rau Đà Lạt tăng mạnh
Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại khiến giá rau tại chợ đầu mối TP Đà Lạt tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Hiện giá cà chua đã lên 24.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, bó xôi 40.000 đồng/kg. Bắp cải giá mua tại vườn 10.000 đồng/kg, bán ra 16.000 đồng/kg; xúp lơ mua tại vườn 14.000 đồng/kg, bán ra 20.000 đồng/kg;
bông atisô giá bán tại chợ 120.000-170.000 đồng/kg (loại 1), tăng gần gấp ba so với ngày thường. Xà lách và rau thơm như thì là, húng quế có mức tăng mạnh nhất, cao hơn tháng trước 3 lần và có nguy cơ khan hiếm.
Bình luận (0)