xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng Trung Quốc ngập chợ phiên

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Chợ phiên, nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống ở nhiều tỉnh phía Bắc, đang nhạt nhòa bản sắc vì toàn hàng hóa Trung Quốc, nhiều nơi tiểu thương “lạ” ngày càng đông

Ở nhiều phiên chợ của  đồng bào dân tộc khu vực vùng cao phía Bắc, hàng Trung Quốc xuất hiện nhan nhản, lấn át hàng nội. Đáng lo hơn, các sản phẩm đặc sản địa phương ngày càng vắng bóng.

Đua nhau đi “chợ miễn thuế”

Có mặt tại chợ cửa khẩu Săm Pun, huyện Đồng Văn - Hà Giang những ngày đầu năm, chúng tôi được cán bộ xã giới thiệu: “Đây là chợ phiên mở ra cho bà con hai bên biên giới có cơ hội giao lưu, trao đổi hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống”. Tuy nhiên, tìm đến mỏi mắt, chúng tôi cũng chẳng thấy hàng hóa nào của địa phương, họa hoằn lắm là vài mặt hàng mang tính tự cung tự cấp của bà con dân tộc.

Trong khi đó, hàng Trung Quốc không thiếu thứ gì, từ đồ tiêu dùng, quần áo đến điện tử… Trung úy Nguyễn Văn Thắng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Săm Pun, băn khoăn: “Hàng Trung Quốc ở đây rất rẻ. Vùng này quá xa nên hàng nội chưa vươn tới được và có thể do người ta không quan tâm đến việc phân phối hàng Việt ở đây”.

img
Hàng Trung Quốc bán đầy chợ phiên Đồng Văn - Hà Giang

Ở chợ phiên cửa khẩu A Pa Chải, huyện Mường Nhé - Điện Biên, hàng Trung Quốc và hàng Việt được chia làm 2 dãy riêng biệt nhưng bên dãy hàng nội chỉ lèo tèo vài món. Chợ chỉ họp 3 phiên vào các ngày 3, 13 và 23 trong tháng nên người dân nhiều nơi cũng tới đây để “đánh” hàng Trung Quốc đem về các vùng sâu bên trong nội địa bán kiếm lời.

Hàng Trung Quốc thoải mái đưa qua biên giới vào ở các chợ phiên vùng cao mà gần như không có bất cứ sự kiểm soát, kiểm định chất lượng nào. “Ngươi dân nhiều nơi kháo nhau đây là các khu “chợ miễn thuế”, hàng hóa vừa nhiều vừa lạ nên kéo đến mua sắm vào mỗi phiên chợ” - ông Lê Khắc Trùy, cán bộ Phòng Công Thương huyện Mường Nhé, cho biết.

Trước khi đến các chợ phiên vùng cao thuộc loại quy mô nhất ở khu vực miền núi phía Bắc như  Đồng Văn, Mèo Vạc - Hà Giang, chúng tôi đinh ninh sẽ không phải chứng kiến cảnh hàng hóa Trung Quốc lấn át các mặt hàng mang tính đặc trưng lâu nay tại đây. Nhưng không, ngoại trừ nông sản và nông cụ, các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng, thậm chí thuốc chữa bệnh, cũng toàn đưa từ Trung Quốc sang.

Thu mua tất tần tật hàng thương hiệu

Đến các chợ phiên vùng cao, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi ngay cả nhiều sản phẩm văn hóa quảng bá cho những địa điểm du lịch Việt Nam như Sa Pa, vịnh Hạ Long... cũng gắn chữ Trung Quốc. Các phương tiện phổ biến văn hóa như CD, VCD phim và ca nhạc thì 80% là hàng Trung Quốc, còn lại xuất xứ từ Thái Lan.

Ông Nguyễn Văn Bắc, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà, tỏ ra âu lo về nguy cơ bị “thôn tính văn hóa” ở những vùng giáp biên do các sản phẩm văn hóa ngoại lai lấn át hàng nội địa. “Ngay cả những thứ đã trở thành thương hiệu của đồng bào dân tộc như đặc sản rượu ngô Bản Phố ở Bắc Hà cũng bị làm giả bởi cồn pha nước. Từ khi những người bán rượu ở chợ Bắc Hà nhập loại cồn Trung Quốc có thể hòa với nước để thành rượu, thương hiệu rượu ngô Bản Phố bị ảnh hưởng rất nhiều. Người đi chợ Bắc Hà giờ đây ít ai còn mua loại rượu đặc sản này nữa” - ông Bắc bức xúc.

Không chỉ hàng hóa, thương lái Trung Quốc còn tràn sang các chợ phiên mua bán ngày càng đông. Họ thu mua tất tần tật những mặt hàng đã trở thành thương hiệu của bà con dân tộc vùng cao. Thậm chí, những ngày gần đây, tại chợ gia súc Cán Cấu ở huyện Simacai - Lào Cai, thương lái Trung Quốc còn sang thu mua rất nhiều trâu với giá rất cao. “Bà con đua nhau bán trâu vì thấy được giá nhưng cứ đà này, đến vụ mùa lại thiếu phương tiện, sức kéo. Nhiều gia đình có tiền vì bán trâu nhưng vẫn đói vì không gieo trồng được gì trên ruộng rẫy của mình” - một cán bộ UBND huyện Simacai lo ngại.

Phòng mạch dã chiến

Ở một số địa phương, “thầy thuốc” Trung Quốc còn sang mở quầy khám, chữa bệnh ngay giữa chợ phiên. Họ thường nhắm đúng các phiên chợ mùa lễ hội đầu năm để mở “phòng mạch dã chiến”. Bà con người H’Mông, Dao đỏ... có tục bọc răng vàng đầu năm nên “nha sĩ” Trung Quốc làm ăn rất khấm khá. Tuy nhiên, nhìn vào dụng cụ hành nghề sơ sài, thuốc men thì lạ hoắc của các “thầy thuốc” này, chúng tôi không khỏi e ngại.

Tại chợ phiên Bắc Hà - Lào Cai, tân dược Trung Quốc bày bán nhiều và rẻ như rau nhưng cả người bán lẫn người mua đều lơ mơ về công dụng. “Thuốc Trung Quốc chữa được nhiều bệnh trẻ em, bệnh thông thường như cảm sốt, nhức đầu, đau bụng..., giá lại rẻ và cũng chưa thấy hậu quả gì nên bà con vẫn mua dùng thường xuyên” - một người bán thuốc tại chợ Bắc Hà giải thích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo