Tại cuộc gặp một số doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của Nga và Việt Nam ở TP HCM nhân chuyến thăm Việt Nam tuần qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) sẽ được ký kết trong thời gian tới, mở ra cơ hội hợp tác thương mại giữa 2 nước để nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỉ USD vào năm 2020.
10 tỉ USD trong tầm tay
Sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp cấp kỹ thuật bắt đầu từ tháng 3-2013, FTA VCUFTA đã chính thức kết thúc vào tháng 12 năm ngoái, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng Việt vào Nga. Hai bên cơ bản thống nhất nội dung hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cao và bảo đảm cân bằng lợi ích có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh liên minh hải quan sẽ ưu đãi thuế quan, tạo nhiều cơ hội xuất khẩu đối với các nhóm hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy - hải sản, công nghiệp nhẹ. Việt Nam sẽ mở cửa có lộ trình cho hàng hóa ngành chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải từ liên minh vào thị trường. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng Việt mà ngược lại góp phần làm đa dạng thị trường hàng tiêu dùng trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2008-2013, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng gấp đôi. Năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn song thương mại 2 nước vẫn đạt 2,6 tỉ USD và Việt Nam là nước xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương này.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng tổng kim ngạch thương mại 2 chiều của 2 nước đến nay chỉ đạt 0,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga. Do đó, mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD là hoàn toàn khả thi nếu giải tỏa được các vướng mắc về cơ chế, chính sách. FTA VCUFTA được ký kết sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về thuế quan cùng với những hiệp định tháo gỡ về tỉ giá, thanh toán...
Thúc đẩy thanh toán trực tiếp bằng nội tệ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho rằng khách hàng Nga nhập khẩu rất nhiều sản phẩm gỗ cao cấp từ châu Âu, trong đó có sản phẩm do Việt Nam xuất sang châu Âu. Lý do khiến đồ gỗ Việt chưa vào Nga nhiều là bởi nước này áp dụng hệ thống giám sát đánh vào trọng lượng, trong khi đồ gỗ rất nặng nên mức thuế, phí cao. Khi FTA được ký kết với mức thuế ưu đãi sẽ tạo thuận lợi cho DN gỗ đẩy mạnh xuất khẩu.
Dù vậy, hiện các DN đang quan tâm đến việc Nga có giải pháp ổn định tỉ giá đồng rúp. Tổng giám đốc một DN xuất khẩu nông sản qua Nga cho biết công ty ông vừa phải dừng rất nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nước này do ảnh hưởng bởi đồng rúp mất giá, khách hàng từ chối thanh toán. “Hàng bị trả về, công ty buộc phải tìm đối tác khác để bán nên đang gặp khó khăn. Trước nay, các DN xuất khẩu hàng sang Nga thường nhận thanh toán bằng USD, nay đồng rúp mất giá mạnh so với USD khiến việc thanh toán gặp khó khăn” - tổng giám đốc này chia sẻ.
Hiện khoảng 97% các giao dịch xuất nhập khẩu của DN Việt Nam với thị trường Nga đều bằng USD. Một đề xuất thanh toán trực tiếp hàng hóa bằng đồng nội tệ (VNĐ và rúp) đã được đưa ra với sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo cấp cao 2 nước.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu xuất khẩu qua Nga thanh toán trực tiếp bằng đồng rúp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và tiết kiệm chi phí do DN do không phải đổi từ VNĐ sang USD rồi lại đổi từ USD sang rúp. “Có điều, tỉ giá đồng rúp phải ổn định hoặc nhà nước có cơ chế thanh toán bảo đảm lợi ích cho DN” - ông Hồng nói.
Một số DN trong ngành cà phê, dệt may, đồ gỗ cho biết rất nhiều mặt hàng xuất từ Việt Nam sang Nga nhưng không đi trực tiếp mà thường sang các nước châu Âu rồi DN ở đây mới bán tiếp sang Nga (do lượng đặt hàng từ thị trường Nga chưa nhiều). Nếu việc thanh toán trực tiếp bằng nội tệ được thực hiện sẽ thúc đẩy DN Việt và Nga tìm kiếm cơ hội trao đổi trực tiếp, xuất khẩu hàng thẳng sang Nga.
Gặp khó về điều kiện xuất khẩu
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng thị trường Nga hấp dẫn nhưng các DN thủy sản đang gặp khó khăn về quy định điều kiện xuất khẩu vào Nga. Việt Nam hiện có đến 400 DN thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu nhưng riêng Nga chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho khoảng 30 DN và phân theo mặt hàng nên tiềm năng chưa được khai thác hết.
Nếu FTA được ký kết sẽ là cơ hội lớn nhưng DN thủy sản Việt Nam cũng kiến nghị phía Nga xem xét tháo gỡ khó khăn về điều kiện xuất khẩu. Chẳng hạn, chính quyền Nga có thể theo thông lệ quốc tế, chấp nhận danh sách những công ty Việt đang làm ăn tốt với khách hàng châu Âu để hàng thủy sản xuất sang thị trường này nhiều hơn.
Không lo bị trừng phạt kinh tế
Theo ông Andrey Leonidovich Costin, Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB), nhiều DN Việt lo lắng trước tình hình kinh tế Nga gặp khó khăn và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhưng các công ty của Nga vẫn hoạt động kinh doanh tốt và sẵn sàng phát triển mối quan hệ lớn với DN Việt. Dù một số biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến vài ngành nhạy cảm như năng lượng, khai thác dầu khí, kỹ thuật quân sự nhưng nếu 2 bên quan tâm và nỗ lực thì có thể giải quyết được mọi vấn đề. “Không có trở ngại nào quá khó khăn mà chúng ta không thể vượt qua” - ông Costin khẳng định.
Bình luận (0)