xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng Việt trầy trật vào ASEAN

Thái Phương - Thanh Nhân

Trong khi hàng hóa từ các nước ASEAN, Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thì hàng Việt lại không dễ xâm nhập những thị trường này

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, nhập siêu của Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN luôn ở mức cao thời gian qua và có dấu hiệu tăng từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm ngoái đến nay. Số liệu 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam nhập siêu từ khu vực này lên tới 4,6 tỉ USD.

Nhập nhiều hơn xuất

Theo phân tích từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất trong khối ASEAN gồm: Thái Lan, Malaysia, Singapore… Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan lượng hàng hóa trị giá 6,27 tỉ USD; từ Malaysia 3,7 tỉ USD và từ Singapore 3,59 tỉ USD. Riêng với thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp (DN) Việt đã chi tới 289,6 triệu USD để nhập rau quả, hàng tiêu dùng; nhiều loại trong số đó hoàn toàn có thể sản xuất trong nước.


Mỗi năm, Thái Lan tổ chức hàng chục hội chợ xúc tiến thương mại để đưa hàng Thái tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Mỗi năm, Thái Lan tổ chức hàng chục hội chợ xúc tiến thương mại để đưa hàng Thái tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước ASEAN chỉ đạt 12,5 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm AEC chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu qua Thái Lan trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,72 tỉ USD; xuất qua Malaysia 2,32 tỉ USD và Singapore đạt 1,72 tỉ USD, bằng 1/2 kim ngạch nhập khẩu.

Áp lực cạnh tranh trên sân nhà ngày càng khốc liệt buộc DN phải đặt bài toán ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước trước khi tính chuyện đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May Miti, cho biết dù kế hoạch kinh doanh của DN tới thời điểm này vẫn đạt nhưng chưa như kỳ vọng khi sức tiêu thụ trên thị trường nội địa chưa tốt. Miti từng tính tới việc xuất hàng sang một số thị trường trong khu vực nhưng phải gác lại để củng cố thị trường nội địa. Ngay với mặt hàng đồ chơi trẻ em, dù Công ty Nhựa Chợ Lớn hiện là nhà cung cấp đồ chơi hàng đầu ở thị trường trong nước nhưng theo ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc công ty, DN của ông đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines… Sau khi có AEC, hàng ngoại tràn vào càng mạnh mẽ hơn, buộc DN phải tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực như đồ chơi trẻ em cao cấp, hàng điện tử để củng cố sân nhà.

Có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hàng thực phẩm đông lạnh, xốt gia vị sang những thị trường khó tính như Anh, Nhật… nên Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) đã đưa hàng sang các nước ASEAN như Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Mặc dù có nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, sự tương đồng trong văn hóa ẩm thực của khu vực nhưng sản lượng hàng bán vào các nước này chưa nhiều, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm không đáng kể. Tổng doanh thu xuất sang các nước ASEAN chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu xuất khẩu hằng năm.

Ông Diệp Nam Hải, Tổng Giám đốc Cholimex Food, đánh giá thị trường ASEAN dù rất tiềm năng nhưng còn khá mới mẻ đối với DN. Công ty vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, chen chân vào cạnh tranh với hàng nội địa và hàng Thái Lan. Ngoài ra, các vấn đề chính trị, tôn giáo cũng là rào cản khiến việc làm ăn với các thị trường này tiến triển chậm.

Phải mạnh mới đi xa được

Phân tích thực tế hàng hóa các nước ASEAN đang vào Việt Nam mạnh hơn hàng Việt Nam đi ra khu vực, một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh cho rằng không nên quá quan trọng việc “mang chuông đi đánh xứ người” mà thời điểm này, các DN nhỏ và vừa Việt Nam càng phải củng cố thị phần ở thị trường nội địa. Trừ những DN chọn con đường gia công, còn lại DN nào muốn phát triển, khai thác thương hiệu ở thị trường khác thì phải thật sự mạnh, có được thị phần nhất định ở trong nước và tính toán thật kỹ bài toán chi phí trước khi muốn vươn ra khu vực. Việt Nam có không ít DN lớn đã “xuất ngoại” thành công; ngược lại, cũng có rất nhiều DN lớn từ các nước vào Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan. Hàng Thái có chi phí sản xuất thấp, chất lượng tương đương hoặc cao hơn hàng cùng loại của Việt Nam nên đang dần lấn át hàng Việt ngay tại sân nhà và thị trường các nước ASEAN. “Cùng một mặt hàng có chất lượng như nhau nhưng chi phí sản xuất hàng Thái chỉ bằng 2/3 hàng Việt thì lợi thế chắc chắn nghiêng về họ” - chuyên gia này nhận xét.

Cũng theo vị này, thời gian gần đây, một số DN ngành thực phẩm đã rất linh động hợp tác chào hàng sang các nước ASEAN. Chẳng hạn, một số DN mì gói, dầu ăn, tiêu… đã hùn nhau đóng container hàng xuất sang Malaysia, Philippines… để chào bán và thăm dò thị trường. Một khi thị trường phản hồi tốt, nhà mua hàng sẽ tăng đặt hàng, dần dà phát triển được.

Các DN lớn như Cholimex Food đặt mục tiêu tăng thị phần ở khu vực ASEAN và đang tính toán cách tiếp cận tốt nhất. Định hướng của Nhựa Chợ Lớn thời gian tới sẽ là đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và hướng tới một số thị trường mới, tiềm năng hơn. “Thời gian qua, đồ chơi trẻ em của Nhựa Chợ Lớn bán rất tốt ở các nước lân cận, cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc, Thái Lan trên đất Campuchia, Lào. Mới đây, Nhựa Chợ Lơn đã có đơn hàng xuất khẩu sang một số thị trường khó tính với thương hiệu của mình nên kỳ vọng sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới” - lãnh đạo công ty chia sẻ.

Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico), một DN trong ngành nước giải khát, cũng âm thầm khai thác các thị trường mới trong khu vực. Mới đây, hình ảnh sữa chua Yobi của Bidrico xuất hiện ở một vùng quê hẻo lánh tại Myanmar là tín hiệu tích cực cho chiến lược xúc tiến của DN.

Tính toán kỹ chi phí khi xuất khẩu

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty CP Sinh học Nấm Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết cùng với AEC, cộng đồng kinh tế ASEAN - Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nấm do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Công ty đã đưa sản phẩm nấm sang các thị trường Lào, Campuchia thông qua các hội chợ và bán rất tốt. Tuy nhiên, khi bắt đầu xây dựng kênh phân phối ở đây mới phát hiện có rất nhiều chi phí phát sinh khiến giá đội lên khoảng 35% so với bán hội chợ nên khách hàng không chấp nhận. Các chi phí khi bán hàng ở nước ngoài gồm: đăng ký thủ tục, thuê mặt bằng, bán hàng, nhân viên, thuế…

“Đây là bài học kinh nghiệm cho các DN nhỏ khi đưa hàng ra nước ngoài, việc tính toán giá ngay từ đầu là rất quan trọng vì khi mọi thứ đã xong thì đàm phán lại giá rất khó. Vì vậy, hiện tại công ty vẫn chưa đưa hàng chính thức qua Lào, Campuchia dù thực tế sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ ở đây thông qua trung gian” - bà Ngọc nêu. Ng.Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo