Trong khi Chính phủ yêu cầu hạn chế nhập siêu thì những chiếc xe trị giá hàng triệu USD vẫn được nhập về Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu tiêu dùng xa xỉ của cá nhân, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu của cả nước.
Chính ngạch, tiểu ngạch đều tăng
Tại Hà Nội, dân chơi vẫn mua xế mới đập hộp ở Đức, chạy vài ngàn km và chờ đủ 6 tháng mới làm thủ tục chuyển về Việt Nam để được hưởng chính sách thuế xe cũ nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu 6,64 tỉ USD, bằng 12,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho biết chỉ trong tháng 7, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt khoảng 4.000 chiếc, giảm 45,2% so với tháng 6-2011. Đây là tháng đầu tiên Thông tư 20 của Bộ Công Thương về bổ sung một số quy định về nhập khẩu ô tô có hiệu lực.
Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, đã có 38.138 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu Việt Nam, tăng 38,9% về lượng và 41% về giá trị so với cùng kỳ.
Các loại siêu xe đắt tiền như thế này được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Ảnh: AUTONET
Những mặt hàng tiêu dùng đắt tiền khác cũng đang tràn về không chỉ bằng đường chính ngạch mà còn bằng đường tiểu ngạch, xách tay.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), cho biết trong 6 tháng đầu năm đã có 135.000 lọ mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không chứng từ hóa đơn bị thu giữ, chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM.
Đây cũng là 2 điểm nóng của các vụ thu giữ rượu ngoại, điện thoại và linh kiện điện thoại nhập khẩu trái phép.
Tại TP Hà Nội, trong 6 tháng, lực lượng QLTT đã thu giữ 1.500 chai rượu ngoại không có tờ khai nhập khẩu. Tại TPHCM, có vụ thu giữ đến cả chục ngàn chiếc điện thoại di động và bộ linh kiện. Tại tỉnh Tây Ninh, lực lượng chức năng cũng bắt giữ một vụ chuyển lậu vài chục điện thoại đắt tiền iPhone…
Chưa có toa thuốc đặc trị
Nhập siêu được xem là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam từ nhiều năm nay, song hiện vẫn chưa có toa thuốc trị dứt. Tỉ lệ nhập siêu gần đây đã giảm từ mức trên 20% kim ngạch xuất khẩu xuống 17,3% vào năm 2010. Đây vẫn là mức cao.
Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ giảm nhập siêu xuống mức 15% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay và giảm dần trong các năm tới để bảo đảm phát triển bền vững.
Các loại siêu xe đắt tiền như thế này được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Ảnh: AUTONET
Chính phủ đang quyết liệt kiềm chế nhập siêu bằng hàng loạt giải pháp mới được bổ sung từ đầu năm tới nay.
Bộ Công Thương đã ban hành danh mục gần 100 nhóm mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; quy định từ ngày 1-6, các mặt hàng điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu nhập khẩu qua đường biển chỉ được phép làm thủ tục tại 3 cảng gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM.
Riêng ô tô nhập khẩu còn được thông quan thêm qua 2 cảng khác nữa là Quảng Ninh và Vũng Tàu. Ban Chỉ đạo 127 Trung ương ngày 1-7 cũng có công văn khẩn đề nghị các bên liên quan và Cục QLTT phối hợp kiểm soát việc nhập khẩu ô tô, rượu, mỹ phẩm, điện thoại theo quy định mới nhất của Bộ Công Thương.
Cần đánh thuế cao hàng xa xỉ
Những giải pháp hạn chế dòng chảy của hàng xa xỉ, kiềm chế nhập siêu mà Chính phủ đưa ra được các chuyên gia kinh tế đánh giá là chưa đủ mạnh. Theo TS Lê Đăng Doanh, dùng biện pháp hành chính để hạn chế nhập siêu là không phù hợp, không hiệu quả vì Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng.
Hàng xa xỉ chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ người tiêu dùng, có cầu thì có cung, cần đánh thuế cao gấp nhiều lần để đối tượng sử dụng thu hẹp lại và cần kiểm soát thu nhập của người dân.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một đất nước nghèo như Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu hàng xa xỉ cao là lãng phí, gây sức ép lên thị trường ngoại tệ. Có thể kêu gọi đạo đức và tinh thần tiết kiệm của người dân mà đi đầu là những tấm gương của cán bộ, quan chức.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng công cụ “gác cổng” quan trọng đối với hàng xa xỉ là hàng rào thuế quan, kết hợp với các giải pháp đồng bộ khác như siết cho vay tiêu dùng, kiểm soát chi tiêu công. |
Bình luận (0)