Tương tự ở Việt Nam, 30% khoản nợ ngân hàng tại Trung Quốc có liên quan đến bất động sản, phần lớn các khoản nợ này được thế chấp bằng đất đai và nhà cửa. Đóng góp 16% vào tổng GDP và hỗ trợ phát triển cho hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ, bất động sản chững lại sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc.
Không còn là “miếng bánh ngon”
Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield, rất nhiều nhà phát triển đã và đang thận trọng, xem xét nhiều hơn đến yếu tố giá cả. Tại một số thành phố, nhiều khu nhà ở phân khúc cao cấp xuống giá và nhiều khả năng những nhà phát triển tại những khu vực này sẽ còn phải giảm giá xuống nữa nếu muốn thúc đẩy khối lượng giao dịch.
Cushman & Wakefield cũng dự đoán thị trường sẽ diễn ra nhiều hoạt động hợp nhất giữa các công ty hơn để có tiềm lực tài chính vững mạnh và huy động đa dạng nhiều kênh tài chính.
Tập đoàn Greenland Thượng Hải là một ví dụ điển hình. Đầu năm nay, Greenland Thượng Hải công bố kế hoạch mở văn phòng tại Hồng Kông, tìm kiếm cơ hội tiến vào thị trường bất động sản Mỹ. Mới đây, tập đoàn này hợp nhất với các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc như China Vanke để đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhà ở tại nước ngoài.
Hiện nay, tuy niềm tin vào thị trường đang ở mức tiêu cực và sự bất ổn định của nó ảnh hưởng tới triển vọng phát triển trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, kinh doanh nhà ở vẫn sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhiều nguyên nhân. Trước hết, quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy nhu cầu nhà ở. Các nhà chính sách cũng đang nỗ lực để tăng nguồn cung nhà ở xã hội nhằm cải thiện khả năng chi trả cho người dân đồng thời kiểm soát hoạt động đầu cơ tại các phân khúc bất động sản cao cấp.
Khủng hoảng sẽ không xảy ra?
Gần đây, vụ vỡ nợ của một công ty sản xuất các thiết bị năng lượng mặt trời Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology đã làm dấy lên những quan ngại về hệ thống tài chính Trung Quốc. Theo số liệu của Morgan Stanley, tổng số nợ đến nay đã lên tới gần 250% tổng GDP.
Thêm vào đó là những rủi ro trong thị trường tài chính phi ngân hàng, Moody’s Investors Service ước tính số nợ trên thị trường này nằm trong khoảng 39% đến 55% của tổng GDP Trung Quốc. Tuy thấp hơn so với chuẩn thế giới nhưng đang có dấu hiệu tăng nhanh. Quá trình trả nợ sẽ diễn tiến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Lường trước điều này, các nhà chính sách Trung Quốc đã chủ động áp dụng các biện pháp ngăn ngừa. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thắt chặt quy định bảo đảm tính thanh khoản dựa trên Hiệp định Basel III, kể từ ngày 1-3 năm nay, yêu cầu tất cả ngân hàng nắm giữ tài sản có tính thanh khoản bằng 60% của dòng tiền đi ra, tỉ lệ này sẽ tăng dần từ 60% lên đến 100% cho tới năm 2018.
Chính phủ cũng dự kiến triển khai lộ trình bảo đảm tổng số tiền gửi ngân hàng Trung Quốc luôn giữ ở mức 17.000 tỉ USD. Động thái này sẽ là một cơ sở vững chắc để nới lỏng lãi suất, cho phép các ngân hàng đánh giá các khoản nợ dựa trên khả năng chi trả của người vay. Đồng thời, bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động của ngân hàng và hạn chế hiệu ứng dây chuyền nếu có bất kỳ ngân hàng nào vỡ nợ. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện các biện pháp để giảm nợ…
Tuy nhiên, các nhà chính sách Trung Quốc vẫn đang nỗ lực không ngừng nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính. Cushman & Wakefield dự báo trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ áp dụng các phương pháp đòn bẩy cho nền kinh tế như lãi suất huy động vốn, tỉ giá, lãi suất cho vay nếu như nhịp tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm sâu.
Bình luận (0)