Đầu tháng 2-2016, giá vàng SJC bán ra khoảng 33,4 triệu đồng/lượng và đến ngày 13-2 đột ngột tăng 1 triệu đồng, cán mức 34,4 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng nhiều tháng qua. Có thời điểm, giá vàng thế giới cũng tăng 100 USD/ounce, leo lên 1.260 USD/ounce, sau đó điều chỉnh xuống còn khoảng 1.200 USD/ounce rồi liên tục tăng, giảm trong khoảng 20-30 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, với diễn biến này, người “chơi” vàng có thể mua vàng giá thấp - bán giá cao hoặc bán khống vàng với giá cao rồi chờ giảm giá sẽ mua lại để hưởng chênh lệch. Thế nhưng, sân chơi nào cũng có chốt chặn nhất định. Ví dụ, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giới kinh doanh vàng trong nước thường tăng mạnh giá bán ra nhưng lại không tăng giá mua vào nhằm ngăn chặn dân “chơi” vàng chốt lời.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh 34,4 triệu đồng/lượng, giá vàng mau chóng hạ xuống 33,4 triệu đồng/lượng. Đến hôm 17-2, do diễn biến cung cầu của ngày Thần tài nên giá vàng bán ra lại nhích lên 33,9 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào lại ngang bằng mức bán ra của hôm trước khiến người đã mua giá thấp không thể bán vàng. Các ngày tiếp theo, giá vàng thế giới giảm mạnh song giá vàng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt và đến ngày 25-2 xuống còn 33,5 triệu đồng/lượng.
Tính ra, trong vòng 10 ngày (từ 13 đến 24-2), vàng đã giảm 900.000 đồng/lượng. Như thế, người lướt sóng cũng không thể bán vàng giá cao rồi mua lại giá thấp để kiếm lời vì giao dịch này phải trả lãi suất vay vốn cho nhà cái, lợi nhuận có được thường ngang bằng hoặc ít hơn chi phí vay vốn.
Giới phân tích cho rằng tuy giá vàng trong nước đang ngày càng thu hẹp chênh lệch với giá thế giới - chỉ còn khoảng 300.000 - 500.000 đồng/lượng - nhưng việc lướt sóng hay dồn vốn vào vàng vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Bởi lẽ, nếu trong thời gian tới, giá vàng có “dậy sóng” thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp để ổn định thị trường. Khi đó, giá vàng sẽ nhanh chóng đảo chiều. “Người dân cần tỉnh táo với những biến động của thị trường trước khi bỏ vốn vào vàng” - giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội khuyến cáo.
Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở TP HCM, pháp luật quy định giao dịch vàng miếng phải thực hiện tại các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng. Từ đó, người dân và các tiệm vàng không dám mua bán ngoài luồng khiến thị trường vàng miếng trầm lắng. Mặt khác, giá vàng miếng trong nước tăng giảm không tương ứng với giá thế giới là yếu tố khai tử đối tượng lướt sóng vàng.
Trong khi đó, một số đầu mối kinh doanh vàng tại Hà Nội, TP HCM cho hay thị trường vẫn tồn tại vài nhà cung cấp dịch vụ đầu tư tài chính (sàn vàng qua mạng). Người chơi chỉ cần ký quỹ 7%, trả phí 3.000 đồng/ounce vàng/ngày là có thể kết nối với nhà cái để lướt sóng theo giá vàng thế giới.
Thế nhưng, các đầu mối này cho biết rất ít người tham gia cuộc chơi vì giá vàng khó đoán, đồng thời các cơ quan chức năng liên tục “sờ gáy” sàn vàng. Trong năm 2015, công an đã triệt phá sàn vàng Công ty CP Đầu tư tài chính Thiên Việt vào tháng 10 và 5 sàn vàng khác hồi đầu năm.
Bình luận (0)