Hai tuần qua, những cơn mưa lớn đầu mùa xảy ra trên diện rộng ở ĐBSCL đã khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, nông dân đứng ngồi không yên vì giá lúa sụt giảm mạnh.
Lúa đổ ngã đầy đồng
Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Mưa trong thời gian vừa qua đã làm nhiều diện tích lúa tại một số xã trong huyện bị đổ ngã, như: Hoà Bình, Xuân Hiệp, Thới Hoà. Theo đúng lịch thời vụ thì cuối tháng 6 sẽ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng thời tiết, chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm. Huyện đang thống kê thiệt hại, chưa có con số cụ thể”.
Trong khi đó, theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đến thời điểm này huyện mới thu hoạch hơn 4.000 ha/24.900 ha diện tích lúa hè thu do mưa đầu mùa. Hiện diện tích đổ ngã khoảng 80% tổng diện tích thu hoạch, năng suất giảm khoảng 500 kg/ha.
Lúa bị đổ ngã phải thu hoạch bằng tay, tăng thêm chi phí. Ảnh: Thốt Nốt
Chị Nguyễn Thị Năm, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), cho biết hơn nửa tháng trước vẫn còn hy vọng vụ lúa hè thu năm nay sẽ được mùa, trúng giá nhưng những cơn mưa kéo dài đã khiến 17 ha lúa của chị gần như đổ sập. “Lúa đổ sập đã lên mầm, lúa đứng cũng đã nảy mộng, mặc dù gia đình tôi đã kéo lúa về đến nhà nhưng vẫn còn phải đợi vài ngày nữa mới có máy tuốt. Tuốt xong, giá cả bấp bênh, rẻ mạt như thế này cũng không biết sẽ bán cho ai nữa” - chị Năm thở dài.
Đồng cảnh ngộ như chị Năm, nhiều nông dân trồng lúa ở Kiên Giang, Hậu Giang cũng cho biết với lúa đổ ngã không chỉ khiến chi phí thu hoạch tăng cao mà tỉ lệ hao hụt cũng tăng từ 20% – 30% so với lúa bình thường. “Mưa dầm khiến lúa ngã nhiều, máy cắt không được nên bà con phải mướn cắt tay với giá đắt. Trong khi đó, thương lái mua với giá rẻ mạt có 3.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Thanh Bình, một nông dân ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Trong khi đó, nông dân ở các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung và Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp cũng đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu trong điều kiện thời tiết hết sức bất lợi do mưa dầm. Trong đó, nông dân huyện Lấp Vò chịu thiệt hại nhiều nhất với hơn 300 ha lúa bị đổ ngã với tỉ lệ từ 10% đến 40%.
Nông dân Kiên Giang dùng cách bó nhiều bụi lúa lại với nhau cho hạt lúa không thấm nước. Ảnh: Thốt Nốt
Còn báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết những ngày qua, mưa lớn liên tục kèm theo giông lốc nên đã gây ngã đổ cho hơn 30.500 ha lúa của nông dân với mức thiệt từ 30% đến 70%. Các địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất là huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng và một phần của huyện Giang Thành. Lúa bị đổ ngã sẽ giảm năng suất từ 10%-20% và hạt lúa cũng không đẹp so với lúa đứng cũng như phẩm cấp, chất lượng gạo bị ảnh hưởng khi xay xát, chế biến.
Thương lái bỏ cọc, giá lúa giảm mạnh
Ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện có rất nhiều thương lái yêu cầu nông dân phải giảm giá bán khoảng 200 đồng/kg thì mới chịu mua lúa. Nguyên nhân là vì họ chê chất lượng gạo không đảm bảo do bị ngấm nước mưa.
Cũng theo ông Lam, hiện lúa tươi loại thường (không bị ngập nước mưa) đang được thương lái mua với giá 4.200 đồng/kg, lúa hạt dài là 4.500 đồng/kg, còn lúa thơm Nàng Hoa thì đang đứng ở mức 4.800 đồng/kg. Trong khi đó, các loại lúa đã bị ngã đổ do mưa giông gây ra chỉ còn 4.000 đồng/kg nhưng cũng ít có người hỏi mua.
Vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh Hậu Giang xuống hơn 68.000 ha, đến nay đã thu hoạch hơn 3.000 ha. Để thu hoạch diện tích này, mỗi ha lúa, nông dân phải tốn gần 1 triệu đồng thuê nhân công cắt tay. Thế nhưng, lúa thì đã thu hoạch xong nhưng thương lái đặt cọc thì chẳng thấy đến mua lúa.
Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp sản xuất hơn 3 ha lúa IR 504-04 được thương lái đặt cọc trước đó 2 tháng với giá 4.500 đồng/kg lúa tươi cắt máy cân tại ruộng. Nhưng đến ngày thu hoạch lúa thì thương lái chẳng thấy đâu cả. “Thương lái đã đặt cọc nhưng không mua lúa. Nếu để lâu ngoài đồng thì lúa ngã đổ hết nên tôi đành chấp nhận bán cho thương lái khác với mức giá 3.800 đồng/kg, thấp hơn 700 đồng/kg để lấy tiền chi trả vật tư nông nghiệp” - ông Hải cho biết.
Thấy nông dân rơi vào tình cảnh này, một số thương lái đặt cọc mua lúa trước rồi “bỏ của chạy lấy người”. “Đầu vụ hè thu, nhiều thương lái đến địa phương đặt cọc mua lúa trong dân vì lúc đó sợ giá lúa “sốt” do hạn hán và mặn. Đến nay, khi lúa hè thu bị đổ ngã, không thấy thương lái đến thu hoạch nên nông dân tìm thương lái khác bán với giá thấp” - ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, phản ánh.
Anh Đặng Văn Hiệp (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), than: “Đầu vụ hè thu, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ 1 ha lúa OM 5451 do gia đình tôi trồng với giá 5.000 đồng/kg. Thời gian mưa lớn, lúa bị ngã hơn 50% diện tích thì thương lái bảo không mua nữa vì lúa bị ngã chất lượng thấp. Có thương lái khác đến hỏi mua với giá 4.100 đồng/kg, tôi đành chấp nhận bán vì không bán thì không có nơi phơi lúa”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cho biết cách đây nay gần tuần, lúa tươi Jasmine 85 (một trong những loại lúa được chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam) có giá là 5.100 đồng/kg, lúa hạt dài loại OM 4900 là 5.000 đồng/kg thì hiện nay đã giảm tương ứng chỉ còn 4.700 đồng và 4.650 đồng/kg. Trong khi đó, lúa thường IR 50404 hiện chỉ còn từ 4.300 đồng đến 4.400 đồng/kg, tức đã giảm từ 200 đồng đến 400 đồng/kg. Chính vì vậy mà nhiều thương lái cũng đành bỏ tiền cọc mua lúa trước đó của nông dân.
Bình luận (0)