Hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn, có mức doanh thu đáp ứng tiêu chí là doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ theo quy định pháp luật thì phải thực hiện chế độ kế toán như DN nhỏ, siêu nhỏ để làm căn cứ nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết hiện nay, tỉ lệ thu thuế của các hộ kinh doanh còn thấp do không nắm được doanh thu chính xác của họ. Do đó, cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.
Bày tỏ đồng tình với nội dung dự thảo, chuyên gia thuế Chung Thành Tiến dẫn chứng hàng loạt hộ kinh doanh tại các chợ đầu mối lớn như Bình Tây (TP HCM), Đồng Xuân (Hà Nội)… hiện chỉ phải nộp một khoản thuế khoán rất nhỏ, trong khi doanh thu thật lại không kiểm soát được. "Chỉ một cú điện thoại là có thể có những đơn giao hàng đến hàng chục tỉ đồng. Hiện nay, chưa có cách nào để thu thuế phần doanh số này mà chỉ khoán "một cục" theo khai báo của họ" - ông Tiến băn khoăn.
Việc áp dụng chế độ kế toán và kê khai thuế đối với hộ kinh doanh được cho là biện pháp chống thất thu thuế của cơ quan quản lý Ảnh: TẤN THẠNH
Góp ý biện pháp cụ thể, ông Tiến cho rằng việc chống thất thoát thuế có liên hệ mật thiết với triển khai hóa đơn điện tử. Theo đó, bỏ tư duy nặng nề về hóa đơn giấy để tránh bị lạm dụng mua bán hóa đơn, kê khai khống chi phí khấu trừ cho DN. Cùng với đó, hộ, cá nhân kinh doanh phải được cấp mã số thuế và quản lý trên mã số thuế đó. "Nếu triển khai tốt hóa đơn điện tử, khi một người hoặc một đơn vị đi mua hàng hóa, chỉ cần kê khai mã số thuế của bên bán. Từ đó, bên kê khai sẽ được khấu trừ chi phí, đồng thời sẽ lộ ra phần doanh thu của bên bán và nhà nước thu được thuế từ đó" - ông Tiến nêu rõ.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh thì cần gắn mã số (code) cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh. Khi đó, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có code. Khi đó mới có thể phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này.
"Có thể phát sinh trường hợp các DN cấu kết với nhau để mua hóa đơn, chuyển tiền qua ngân hàng theo quy định, sau đó, họ có thể rút tiền ra theo tỉ lệ phần trăm ăn chia như đã thống nhất giữa các DN mà cơ quan thuế không kiểm soát được. Do đó, cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại" - bà Cúc lưu ý thêm.
Nêu quan điểm khác, ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán hành nghề Việt Nam, cho rằng đa số người kinh doanh ở Việt Nam là cá nhân hoặc hộ kinh doanh, không có sổ sách kế toán và báo cáo tài chính nên cơ quan thuế không thể áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp. Do vậy, việc duy trì phương pháp thu thuế bằng thuế khoán là cần thiết. Thậm chí, ấn định thuế còn áp dụng ngay cho các DN dù đã có sổ sách kế toán, báo cáo tài chính nhưng không rõ ràng, không chứng minh được chi phí.
Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế, cũng cho rằng áp dụng thuế khoán là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Do đó, Việt Nam chỉ cần thực hiện một cách minh bạch sẽ hiệu quả, tránh được những vụ "ăn chia" giữa người nộp thuế và người thi hành công vụ.
Bình luận (0)