Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng (NH) Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng, được ban hành nhằm thực hiện các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Cá nhân sẽ vay vốn cho hộ kinh doanh
Theo Vụ Pháp chế - NH Nhà nước, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, để thực hiện quy định mới này, Thông tư 39 nêu rõ khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân.
Các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân… sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trong trường hợp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh và hoạt động khác, khách hàng cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, riêng TP HCM có hơn 290.000 hộ. Nhu cầu vay vốn NH của nhóm này để bổ sung vốn lưu động và sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Do đó, quy định từ ngày 15-3, hộ kinh doanh không được vay vốn NH khiến nhiều người lo lắng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, cho rằng quy định trong Thông tư 39 chỉ nhằm xác định lại đối tượng vay vốn NH gồm pháp nhân và cá nhân, theo thông lệ chung của thế giới. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ thuật ngữ, khái niệm bởi chỉ có 2 loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác thực chất chỉ là một hoặc một nhóm cá nhân. Vì vậy, khái niệm này đã được xóa khỏi Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39 của NH Nhà nước bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là hợp lý.
“Bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi hình thức tên gọi, còn bản chất vẫn như cũ. Từ ngày 15-3, hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Một số NH thương mại cho biết trước đó vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể. Nay, nếu có quy định mới sẽ chờ văn bản hướng dẫn chi tiết của NH Nhà nước nhưng hoạt động cho vay, lãi suất đối với nhóm khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ không thay đổi nhiều.
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP HCM cũng cho rằng quy định của NH Nhà nước chỉ làm rõ đối tượng vay vốn, không ảnh hưởng đến việc NH giải ngân vốn vay hay lãi suất vay. Bởi lẽ, lãi suất vay vốn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, tài sản thế chấp và tính khả thi của dự án. “Có nhiều món vay của khách hàng cá nhân lãi suất thấp hơn nhiều so với hộ kinh doanh, tiểu thương nên không thể nói cá nhân vay sẽ bị đội chi phí cao hơn hộ kinh doanh như trước” - vị phó tổng giám đốc này khẳng định.
Không ảnh hưởng nhiều
Theo NH Nhà nước, trên cơ sở các quy định trong Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Thông tư 39 cũng quy định cụ thể về lãi suất cho vay. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VNĐ, lãi suất thỏa thuận không vượt quá lãi suất cho vay tối đa do thống đốc NH Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn. Với nội dung này, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thuộc các lĩnh vực ưu tiên.
Theo tìm hiểu thực tế của Báo Người Lao Động, quy định mới của NH Nhà nước tuy ảnh hưởng nhưng không nhiều đến các hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác bởi lâu nay, các đối tượng này rất ít sử dụng kênh huy động vốn từ NH. Một phần, họ không có hồ sơ hợp lệ, không có tài sản thế chấp và quan trọng hơn là nhóm khách hàng này thường ưu tiên sử dụng nguồn vốn có sẵn hoặc huy động “nóng” khi cần.
Anh C.V.H, chủ cơ sở B.H chuyên gia công một số sản phẩm nhựa gia dụng, cho biết từng làm thủ tục vay vốn để đầu tư thêm máy móc với lãi suất 0,7%-0,8%/tháng nhưng không thành vì cơ sở anh chưa đăng ký thuế môn bài. Nhân viên NH tư vấn anh chuyển sang vay cá nhân, có tài sản thế chấp với lãi suất hơn 1%/tháng.
“Có vài mối hàng muốn tôi gia công cho doanh nghiệp lớn để xuất khẩu với điều kiện cơ sở phải có tư cách pháp nhân để giao dịch. Tôi đang nhờ tư vấn để chuyển đổi lên doanh nghiệp, vừa tiện cho những giao dịch sắp tới vừa có điều kiện vay vốn NH” - anh Hào cho biết.
Cô Ư.T.L - kinh doanh bánh mứt ở chợ sỉ Bình Tây, TP HCM - thừa nhận chưa biết gì về quy định mới là không cho hộ kinh doanh cá thể vay vốn với tư cách “hộ kinh doanh” như trước. Hầu hết tiểu thương ở đây kinh doanh quy mô nhỏ, không đủ điều kiện vay vốn NH nên chủ yếu dùng vốn gia đình hoặc vay của các tổ chức tín dụng ở chợ.
Chủ yếu vay “nóng”
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, nhận xét quy định của NH Nhà nước về pháp nhân hay cá nhân mới được phép vay vốn là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, trong tranh chấp thương mại luôn xét giữa pháp nhân và pháp nhân, cá nhân và cá nhân. Hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân thì chủ hộ có thể đứng ra vay vốn với tư cách cá nhân để chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Theo quan sát của tôi, những hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu đầu tư lâu dài thì đã chuyển đổi thành doanh nghiệp để dễ huy động vốn dài hạn. Những hộ giữ mô hình hộ kinh doanh nhỏ chủ yếu dùng vốn gia đình, cần vốn nhanh thì vay “nóng” bên ngoài với lãi suất 2%-3%/tháng, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần tài sản thế chấp” - ông Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Bình luận (0)