Đối thoại với người dân, doanh nghiệp (DN) trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" chủ đề "Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới" vào tối 8-10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh cần phải thống nhất lại hiểu biết, quan niệm về "bình thường mới". Đó là dù tình hình dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi nhưng thành phố phải chấp nhận sống chung với Covid-19 và tổ chức lại sản xuất, sinh hoạt phù hợp.
Miễn, giảm, hoàn thuế cho DN
Gửi câu hỏi đến Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng, đại diện một DN đặt vấn đề trong bối cảnh thành phố mở cửa trở lại, nhiều DN đóng cửa, phá sản, không hoạt động hết công suất, chi phí tăng cao..., TP có kế hoạch hỗ trợ gì cho DN nhỏ và vừa?
TP HCM đang từng bước tính đến khôi phục lại hoạt động du lịch ngoại tỉnh .Ảnh: LAM GIANG
Trả lời, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho hay kể từ đợt dịch đầu tiên bùng phát vào năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 3 thông tư gồm 01, 03 và 14 với nội dung giãn, khoanh nợ cho DN, đặc biệt hỗ trợ DN không bị nhảy nhóm nợ. "Đây là những chính sách kịp thời. Thời gian qua, khi chúng tôi làm việc với nhiều hiệp hội DN, đã ghi nhận nhiều chính sách được thực hiện hiệu quả" - bà Phan Thị Thắng nhận xét.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý nếu DN gặp khó khăn, có thể phản ánh với NHNN Chi nhánh TP HCM. Còn với nhóm DN nhỏ, hộ kinh doanh khó tiếp cận được với NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại, có nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn khác, như hội phụ nữ, hội liên hiệp thanh niên, LĐLĐ (Quỹ CEP vay tín chấp), hệ thống ngân hàng chính sách xã hội ở quận, huyện. "Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, cơ sở sản xuất được vay số vốn tối đa 2 tỉ đồng với lãi suất tùy thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm. Cá nhân được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,5%/tháng" - Phó Chủ tịch UBND TP thông tin.
Liên quan đến chính sách thuế, lãnh đạo TP HCM cũng cho biết để hỗ trợ nhiều hơn cho DN, thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế làm việc với các chi cục thuế làm thủ tục hoàn thuế sớm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết với nội dung giảm 30% thuế thu nhập DN cho DN có doanh thu không quá 200 tỉ đồng; giảm 30% thuế GTGT cho DN ở một số lĩnh vực; miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh trong năm 2020; miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 cho hộ kinh doanh.
Đặc biệt, trước việc DN gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí chống dịch, tổ chức mô hình kinh doanh "3 tại chỗ" tăng cao, lãnh đạo TP HCM cho hay thành phố đã kiến nghị cụ thể với các cấp lãnh đạo theo hướng những chi phí phát sinh trong phòng chống dịch bệnh thì sẽ được hạch toán vào chi phí của DN.
Tập trung khôi phục du lịch
Trả lời câu hỏi của DN du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết ngoài tổ chức du lịch ở Cần Giờ, Củ Chi, thành phố cũng đang có kế hoạch khảo sát đường thủy để nâng cấp sản phẩm. Đặc biệt, từ tháng 11, thành phố có kế hoạch triển khai du lịch tới các tỉnh khác. "Chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang qua điện thoại và nhận được sự đồng ý của chủ tịch về việc nhận khách từ TP HCM. Điều kiện chỉ cần khách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính và bảo đảm đi thẳng từ sân bay đến Hà Giang. Ngoài ra, miền Tây, Tây Nguyên cũng chuẩn bị đón khách TP HCM" - bà Phan Thị Thắng cho biết.
Dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi, thành phố sẽ xin đón khách quốc tế từ năm 2022. Cùng với đó, khi nối lại đường bay, thành phố cũng có định hướng tổ chức các chuyến bay hồi hương nhằm góp phần hỗ trợ cơ sở lưu trú có thể hoạt động.
Bà Phan Thị Thắng bày tỏ chia sẻ với những DN chịu tác động lớn trong dịch bệnh, đặc biệt là nhóm DN vận tải hành khách liên tỉnh. Xe muốn chạy được cần sự đồng ý của địa phương, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh diễn biến ở các tỉnh. Bà cho biết TP HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh nhằm thống nhất quy định, phương án về đưa đón hành khách. Mục tiêu từ ngày 1-11, có thể tổ chức lại một số tuyến liên tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng thêm.
Liên quan đến câu chuyện thiếu hụt người lao động trong giai đoạn "hậu Covid-19", nhiều DN bày tỏ lo lắng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho hay hiện đã có những thông tin, tín hiệu cho thấy nhiều người lao động muốn trở lại TP HCM. Thành phố và các tỉnh đã có sẵn kế hoạch đón người dân trở lại nếu có nguyện vọng và đăng ký với địa phương. Đặc biệt, thành phố sẽ hỗ trợ tiêm vắc-xin đối với các khu vực, các DN có người lao động trở lại sản xuất nhưng chưa được tiêm vắc-xin. Với những trường hợp không trở lại làm việc tại DN, cơ sở cũ, thành phố có thể hỗ trợ tìm việc làm mới thông qua các trung tâm giải quyết việc làm.
TP HCM sẽ không để đóng cửa một lần nữa
Câu hỏi "đặc biệt" được một tiểu thương gửi đến bà Phan Thị Thắng là "liệu thành phố có đóng cửa trở lại" không? Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định thành phố cũng như mọi người dân, DN đều mong muốn khi tổ chức sản xuất trở lại thì phải "giữ nguyên được" chứ không phải "nay mở, mai đóng".
Muốn vậy, thành phố mong muốn mọi người dân đều có ý thức phòng chống dịch bệnh. Thành phố sẽ ưu tiên vắc-xin cho các chợ đầu mối để bảo đảm tổ chức hoạt động lại bền vững. "Nếu không kỹ, không phòng dịch tốt thì đóng cửa trở lại là có thể xảy ra. Nhưng chúng ta không thể nào để điều đó xảy ra" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin đến ngày 15-10, nếu qua đánh giá thấy tình hình khả quan, thành phố có thể mở dần một số hoạt động, hướng tới giai đoạn trở lại "bình thường". "Chúng tôi mong muốn DN giữ vững sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn "mở cửa" lại, cùng chính quyền thành phố khôi phục kinh tế, nhanh chóng tiệm cận vị trí trước đây thành phố đã đạt được" - bà Phan Thị Thắng bày tỏ.
Bình luận (0)