xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoa kiểng ngóng chờ khách

Phương An - Nguyễn Hải

(NLĐO)- năm nay giá hoa ngay từ đầu đã rất "mềm". Hy vọng sẽ "thuận mua vừa bán" để cả người bán và người mua đều có cái Tết đầy đủ, vui tươi


Sáng 26 tháng Chạp, các chợ hoa tại các Công viên 23 Tháng 9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định tại TP HCM vẫn còn vắng vẻ. Đa số khách ngắm hoa, chụp ảnh, khách mua còn thưa thớt.

Đa số dạo chợ, chụp hình

Bà Tuyết, một nhà vườn ở Sa Đéc, Đồng Tháp bán hoa tại Công viên 23 Tháng 9, cho biết hiện người mua chưa nhiều, phải đợi đến ngày 28, 29 tháng chạp mới sôi động. Thời điểm này mọi người chủ yếu lo dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình, xong xuôi hết mới dạo chợ "rinh" hoa kiểng về chưng.

Ông Thành ở Chợ Lách, Bến Tre, bán mai tại Công viên Gia Định, cho biết đã bày bán từ 22 tháng Chạp đến nay với giá bán khá "mềm", chỉ vài trăm ngàn đồng/chậu mai nhưng cũng chỉ bán được vài chậu. Số tiền này chỉ mới đủ trả tiền thuê mặt bằng tại công viên, ông Thành hy vọng những ngày tới sẽ bán được nhiều hơn.

Hoa kiểng ngóng chờ khách - Ảnh 1.

Người bán ngóng khách mua hoa sáng 26 tháng chạp Ảnh: NGUYỄN HẢI

Tại Công viên 23 Tháng 9, giá bán cúc kali 250.000 đồng/cặp, mồng gà loại lớn 300.000 đồng/cặp, hướng dương lớn 450.000 đồng/cặp, hoa hồng 200.000 đồng/cặp, hồng tỉ muội 200.000 đồng/cặp, vạn thọ 140.000 đồng/cặp, cúc đồng tiền 150.000 đồng/cặp, cúc đại đóa và cúc pha lê có chiều cao hơn 1,5 m với giá bán 2 triệu đồng/cặp. Tại các Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định, người bán cũng chào giá tương tự. Tuy nhiên, người mua vẫn có thể trả giá, với mức giảm một vài chục ngàn đồng/cặp.

Nhiều người bán hoa kiểng tại các công viên ở TP HCM cho biết đối với mặt hàng hoa tươi, phải qua 2 ngày 28 và 29 Tết mới biết "thắng" hay "thua". Tuy nhiên, năm nay giá hoa ngay từ đầu đã rất "mềm" nên hy vọng sẽ bán nhanh, kịp dọn đồ về quê ăn Tết.

Hoa kiểng ngóng chờ khách - Ảnh 2.

Đa số người bán hoa đã ý thức hơn, không còn nói thách, làm giá mà chào bán hoa đúng giá trị thật Ảnh: Nguyễn Hải


Ông Minh chủ vườn hoa ở Sa Đéc có thâm niên bán hoa Tết tại công viên ở TP HCM hơn chục năm, cho biết để tránh tình trạng dư thừa hoa ở buổi chợ cuối, người bán nên tranh thủ bán hàng từ những buổi chợ đầu, bằng cách chấp nhận cho khách trả giá và chịu giảm giá từ đầu, không nên giữ giá quá cứng nhắc.

Đừng đợi đến chiều 30 Tết mới mua

Số liệu tổng hợp từ các chợ đầu mối và phòng kinh tế quận, huyện tại TP HCM, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 thị trường TP HCM tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 150 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó 4 chợ chuyên doanh hoa lớn (Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức) cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.

Hoa kiểng ngóng chờ khách - Ảnh 3.

Khách hàng tranh thủ mua kiểng sớm Ảnh: NGUYỄN HẢI

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tổng kết công tác chăm lo Tết Mậu Tuất 2018, ghi nhận thực trạng hoa tươi cắt cành ùn ứ trong những ngày cận Tết, phải đổ bỏ còn hoa chậu thì bị người bán đập bỏ vì khách đợi đến giờ chót để mua hoa giá rẻ, thậm chí chờ đến giờ dẹp chợ để "hôi" hoa, lãnh đạo TP đã đặt hàng Sở Công Thương làm sao không để lặp lại tình trạng đổ bỏ hoa Tết.

Trong năm, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động: phối hợp Sở Công Thương Đồng Tháp, Lâm Đồng tổ chức kết nối, tiếp xúc giữa thương nhân các chợ hoa và người trồng tại Lâm Đồng, Đồng Tháp để thông tin về nhu cầu thị trường TP và khả năng cung ứng của các địa phương. Song song đó, phối hợp vận động nhà vườn, thương lái và các ô vựa bán hoa ở các chợ hoa xuân tại TP HCM không nói thách, "hét" giá và vận động người dân mua hoa sớm.

Hoa kiểng ngóng chờ khách - Ảnh 4.

Người bán sẵn sàng "đẩy" hàng nếu khách trả giá vài chục ngàn/chậu Ảnh: NGUYỄN HẢI

"Hy vọng với việc tuyên truyền từ 2 phía: người bán và người mua thì sẽ có chuyển biến tích cực, không tái diễn tình trạng đập/đổ bỏ hoa tươi. Chúng tôi theo dõi mấy ngày nay, ghi nhận bước đầu đã có chuyển biến tốt, người dân đã mua hoa sớm hơn với giá hợp lý hơn so với Tết năm rồi" – ông Kiên cho hay.

Nhà vườn hết dám tạo khan hiếm giả

Về hoa cắt cành, ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, dự kiến lượng hoa phục vụ tết năm nay khoảng 290 tấn/ngày, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá bán hoa dự kiến sẽ không tăng nhiều.

"Tết năm rồi tại chợ Thủ Đức phải đổ bỏ 4-5 xe tải hoa tươi vào giờ chót vì thương nhân ở chợ không dám nhập hàng. "Khủng hoảng" thừa hoa tươi sát tết 2018 là do nhà vườn Lâm Đồng tạo khan hiếm giả, giữ giá cao, nhiều thương nhân chợ đầu mối phải trực tiếp lên Lâm Đồng nắm tình hình, đặt cọc…; năm nay tình hình đã ổn hơn, thương nhân chỉ ngồi nhà điện thoại đặt hàng với nhà vườn" – ông Hoay nói thêm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo