Nguyên nhân được đơn vị này đưa ra là do giá thành khai thác quá cao không cạnh tranh được với quặng thế giới, trong khi hàm lượng khai thác quặng lại thấp. Cụ thể, hàm lượng sắt trong quặng trung bình chỉ khoảng 30% - 40% Tfe trong khi chi phí khai thác quá cao với tỉ lệ bóc đất đá 10 tấn/tấn quặng khai thác.
Ngược lại, giá quặng sắt thô thế giới đang giảm sâu từ 30% - 50% so với thời điểm đầu năm 2014. “Với đặc thù thân quặng có chiều dày mỏng, kéo dài và hàm lượng nghèo như mỏ Tùng Bá, chi phí khai thác không thể cạnh tranh được so với các mỏ lớn trên thế giới dẫn đến thua lỗ lớn. Đến hết 2015, công ty bị lỗ lũy kế 204 tỉ đồng” - công văn của An Thông nêu rõ.
Cũng theo công ty này, mặc dù Chính phủ và Bộ Công thương đã có chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt, khuyến khích phục vụ sản xuất trong nước, chống chảy máu tài nguyên nhưng chi phí khai thác trong nước cao, điều kiện khai thác khó khăn cộng thêm nhiều thuế phí dẫn đến giá thành không cạnh tranh được với quặng của các mỏ lớn trên thế giới. Bằng chứng là Hòa Phát đang nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn từ các nước với giá rất cạnh tranh, chất lượng quặng tốt để phục vụ sản xuất.
Được biết, mỏ Tùng Bá được đưa vào khai thác từ quý IV năm 2011 đến tháng 7-2012 mỏ Tùng Bá phải tạm ngừng. Mỏ này có trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác 2.853.205 tấn quặng sắt nhưng lượng khai thác đến thời điểm trả lại giấy phép chỉ có 275.118 tấn quặng sắt.
Còn tại mỏ còn lại, công ty An Thông bắt đầu khai thác từ tháng 4-2013 đến tháng 10-2014 thì tạm ngừng khai thác. Trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác hơn 12 triệu tấn quặng sắt nhưng đến thời điểm trả lại giấy phép công ty chỉ khai thác được 329.131 tấn quặng sắt.
Bình luận (0)