xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoa Tết khốn khổ vì dịch

NGô Nhung - Trọng Đức - Đình Thi

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những ngày cận Tết khiến người trồng hoa lẫn người kinh doanh hoa Tết đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều chủ vườn tại làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) phải đối mặt với khó khăn, giá thành giảm sút mạnh so mọi năm, công sức chăm bón cả năm sắp "trôi sông, đổ bể".

Đìu hiu

Chị Nguyễn Thị Tưởng, người trồng hoa ở Tây Tựu (Hà Nội), cho biết vào thời điểm này năm ngoái, hoa đã được thương lái đặt mua hết và chỉ đợi xuống phố. Nhưng năm nay, hầu hết các vườn hoa Tết ở đây vẫn đang ế ẩm, chưa có thương lái nào đến đặt. "Thị trường hoa mạnh nhất là Quảng Ninh và Hải Dương đã bị phong tỏa do dịch Covid-19 nên nhiều thương lái cũng điêu đứng vì không biết lấy hoa rồi bán đi đâu. Trước tình cảnh này, các loại hoa Tết như cúc trắng, cúc vàng, hoa ly… đều giảm gần một nửa giá so với năm ngoái. Tôi chỉ mong bán hết được số hoa trong vườn để có lời chút ít sắm sửa Tết rồi lấy vốn cho năm sau. Còn không coi như mất hết công sức đã bỏ ra cả năm" - chị Tưởng lo lắng.

Dạo một vòng quanh những điểm bán hoa Tết tại chợ Quảng An (Hà Nội), chợ hoa lớn nhất miền Bắc, tiểu thương đều ngao ngán vì giảm giá hoa hết cỡ vẫn không có khách đến mua. Nhiều cửa hàng cũng chỉ lác đác vài người đến mua khiến cả khu chợ trở nên đìu hiu, không còn cảnh chen chúc và náo nhiệt như mọi năm.

Trong khi đó, ở Hải Dương (tâm dịch của đợt bùng phát Covid-19 lần này), nhiều thương lái mua đào đã hủy giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc khiến nhiều hộ dân trồng đào Tết đang đứng trước nguy cơ trắng tay và nợ ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Vũ Thị Ghi (SN 1967; trú tại khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương) cho biết: "Trước Tết hơn 1 tháng, thương lái ở Hà Nội tìm đến tận vườn đào nhà tôi để đặt cọc mua buôn. Thương lái trả giá 230.000 đồng/cành, tính cả vườn, nhà tôi thu hơn 140 triệu đồng. Cả nhà đang phấn khởi vì đào trồng cả năm được giá, trừ mọi chi phí thu lãi khoảng 90 triệu đồng. Nhưng mấy hôm vừa rồi, nghe tin Hải Dương có dịch, họ gọi điện thoại hủy và đòi lại tiền cọc. Nhà tôi đành phải ngậm ngùi trả lại tiền cho thương lái vì giao dịch không thành công. Giờ đây dịch bệnh, mọi ngả đường dẫn đến Hải Dương đều bị cấm, không thể thông thương. Nếu cứ đà này, chúng tôi không biết giải quyết hơn 750 gốc đào như thế nào" - bà Ghi buồn bã.

Theo tìm hiểu của phóng viên, TP Hải Dương có khoảng 275 ha trồng cây đào Tết, quất cảnh đang trong thời kỳ bán phục vụ dịp Tết Tân Sửu 2021. Diện tích trồng đào được tập trung chủ yếu tại các phường Hải Tân, Tân Hưng, Thạch Khôi, xã Gia Xuyên, Liên Hồng. Hiện, chỉ còn 10 ngày nữa là Tết nguyên đán 2021 nhưng số đào mới chỉ bán được khoảng 10%.

Trước tình hình này, UBND TP Hải Dương đã có công văn kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh giải cứu người trồng đào Tết nhằm chia sẻ bớt một phần khó khăn với các hộ dân trồng đào tại TP Hải Dương.

Hoa Tết khốn khổ vì dịch - Ảnh 1.

Chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) vắng khách trong dịp giáp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: NGÔ TRẦN

Thủ phủ hoa Đà Lạt thấp thỏm

Không nằm trong vùng dịch nhưng hàng trăm người canh tác hoa vụ Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và các huyện lân cận Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng đang "nín thở" do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Bà Trần Thị Thu (56 tuổi; ngụ thôn Định An, xã Hiện An), chủ vựa thu mua và vận chuyển hoa vụ Tết lớn nhất nhì huyện Đức Trọng, cho biết: "Trung bình mỗi ngày, vựa hoa của gia đình đóng thùng khoảng hơn 100.000 cành lay-ơn và địa lan đưa đi các chợ đầu mối tiêu thụ nhưng hiện nay mặc dù cao điểm của vụ hoa Tết, cơ sở của gia đình chỉ hoạt động cầm chừng chưa tới 50.000 cành/ngày, chủ yếu ưu tiên mối lái thân quen chứ không dám nhập nhiều".

Cũng theo bà Thu, khi dịch Covid-19 bùng phát, giá các loại hoa vụ Tết giảm mạnh, trong đó có hoa lay-ơn rớt giá không phanh. "So với cùng kỳ năm ngoái, giá hoa lay-ơn loại 1 dao động mức 3.500 - 4.000 đồng/cành (40.000 đồng/bó 10 cành). Thế nhưng, thị trường hiện nay giá hoa loại này rớt xuống thấp hơn 2.000 đồng/cành (khoảng 15.000 đồng/bó 10 cành), chưa kể một số thương lái lớn các tỉnh - thành phía Bắc vừa gọi điện hủy đơn hàng vì dịch bệnh" - bà Thu thông tin.

Ông Trần Thanh Nhàn (49 tuổi; làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt), canh tác hơn 2,5 sào hoa lily, đang "nín thở" thăm dò giá cả và tìm chủ vựa tại các chợ đầu mối để cung ứng. Nếu tình huống xấu nhất là các vựa không thu mua thì cầm chắc thua lỗ, thậm chí không biết xuất đi đâu, bán cho ai. "Nhẩm tính riêng các khoản đầu tư vụ hoa lily Tết như: nhà kính, mua giống hoa lily, phân bón… thì mỗi sào gần 400 triệu đồng/vụ. Nếu dịch Covid-19 không được đẩy lùi thì rủi ro thua lỗ cao hơn các loại hoa khác gấp nhiều lần. Giá hoa lily thông thường bán lẻ trên dưới 150.000 đồng/bó 5 cây. Hiện nay, đã giảm còn 70.000 đồng/bó, nếu không xuất bán được thì xem như mất trắng" - ông Nhàn lo lắng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết đã có công văn gửi các tỉnh, thành tiêu thụ hoa trong cả nước như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… để đề nghị tạo điều kiện cho xe chở hoa từ Đà Lạt đến các chợ đầu mối được thuận lợi, nhất là vào các ngày cao điểm từ 25 tháng chạp đến cận Tết. "Hiệp hội Hoa Đà Lạt kêu gọi người tiêu dùng mua hoa sớm hơn và hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được khống chế để thị trường hoa nhộn nhịp trở lại, giúp người canh tác hoa ở Lâm Đồng vượt qua khó khăn" - ông Sang nói.

Giảm giá để "đẩy" hàng

Tại TP HCM, thị trường tiêu thụ hoa Tết lớn nhất cả nước, thời điểm này các chợ hoa Tết ở Công viên 23 Tháng 9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định ngày 21 tháng chạp, nhiều loại hoa kiểng đã được người bán tập kết về với số lượng khá lớn. Chẳng hạn tại Công viên 23 Tháng 9, có hàng chục lô bày bán đào, cúc đại đóa, vạn thọ, mồng gà... Trong đó, phía mặt đường Lê Lai tràn ngập đào với số lượng hàng ngàn cây. Còn tại Công viên Lê Văn Tám cũng có khoảng chục người bán đào, cúc đại đóa, tắc... Công viên Gia Định thì có vài chục người bày bán tắc, vạn thọ, cúc Hà Lan, cúc đại đóa, đào.

Tại Công viên Gia Định, những người bán hoa đang rất lo lắng, không biết có bán được trọn vẹn tới Tết hay không. Ông Nguyễn Thanh Toàn, ở Phú Yên, bán 110 chậu tắc, cho biết phải giảm giá vài trăm ngàn đồng/chậu để bán nhanh vì lo ngại dịch bệnh. Còn ông Nguyễn Văn Hiền, ở Sa Đéc (Đồng Tháp), bán cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, năm nay cũng không đưa hàng lên nhiều như năm ngoái vì sợ bán không được. Tương tự, ông Phạm Hồng Hải, ở Khánh Hòa, chở đến chợ hoa 4 xe tải cúc đại đóa, giảm 3 xe so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều ông Hải sốt ruột hơn là đã "lỡ dại" nhận mua giùm 3 xe tải cúc đại đóa cho một người quen bán Tết tại Bình Dương. Nhưng khi giao hàng, người này xin lỗi, không lấy vì dịch trong khi ông Hải chưa nhận tiền cọc. "Tôi bán ở công viên 3 ngày qua nhưng chỉ mới được hơn chục cặp, quá ít người hỏi mua so với năm ngoái" - ông Hải kể.

Tại Công viên 23 Tháng 9, ông Hưng đến từ Khánh Hòa, bày bán 500 chậu cúc đại đóa, cho biết cố gắng bán với giá như năm ngoái vì nhà vườn không giảm giá, phải đặt cọc trước 30% từ hồi giữa năm nên không thể nào đàm phán được. Chị Nữ, bán cúc đại đóa tại Công viên Lê Văn Tám, lạc quan hơn vì 1.000 chậu cúc đại đóa năm nay đều là ở nhà trồng. Để yên tâm bán chạy dịch, chị đã chủ động giảm giá bán từ 3,8 triệu đồng còn 2,8 triệu đồng/cặp.

Một số người bán hoa kiểng vẫn tin TP HCM sẽ kiểm soát được dịch. Nhiều người ở TP không về quê ăn Tết vì lo ngại dịch bệnh sẽ mua hoa nhiều hơn. Kể cả số lượng công nhân khá lớn cũng ở lại TP sẽ là nguồn khách hàng đáng kể.

Ở Đà Nẵng, trong ngày 1 và 2-2, nhiều hộ kinh doanh đã bắt đầu đưa hoa, cây cảnh đến bán tại chợ hoa Tết Đà Nẵng trên đường 2-9, quận Hải Châu. Theo ghi nhận, đến chiều 2-2, chợ hoa này còn thưa thớt người bán. Anh Nguyễn Đình Tiến, một chủ hàng hoa cúc tại chợ hoa Tết Đà Nẵng, cho biết mọi năm để tìm được mặt bằng bán hoa tại chợ này thì rất khó vì hàng trăm người chen chân. Năm nay số người bán ít, giá thuê mặt bằng cũng thấp hơn năm trước. "Sức mua rất chậm, tôi mở bán từ ngày 1-2 nhưng mới chỉ được vài cặp chủ yếu là cho các công ty, cơ quan" - anh Tiến nói.

Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ một quầy mai tại chợ hoa Tết Đà Nẵng, cho biết do nhiều tỉnh bùng dịch nên nhiều tiểu thương không mặn mà việc đưa hoa Tết về thành phố bán. Chính vì vậy mà năm nay, chợ hoa Tết ở Đà Nẵng cũng sẽ vắng người bán hơn. "Tôi cũng không lo mai ế, ít người bán đồng nghĩa với việc giá mai sẽ không xuống và người mua sẽ ít có sự lựa chọn hơn" - ông Hồng hy vọng.

Theo ghi nhận, giá một số loại hoa như cúc mâm xôi, lily, lan... giảm nhẹ so với năm trước.

Long Giang - Bích Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo