Ngày 27-1 (tức 25 tháng chạp), hoa, kiểng Tết các loại được tập kết và bày bán khá dồi dào tại các chợ hoa ở TP HCM tại Công viên 23 Tháng 9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định và dọc các con đường Lý Thường Kiệt (quận 10, quận Tân Bình), Bắc Hải, Thành Thái (quận 10), Phạm Văn Đồng, Trần Não, Lương Định Của, Thảo Điền, Nguyễn Hoàng (TP Thủ Đức). Tuy nhiên, so với Tết năm ngoái và những năm trước đó, lượng hoa từ các nơi đổ về TP HCM năm nay giảm đi thấy rõ, chủ yếu do tác động của dịch bệnh làm cho sức mua giảm sút và người trồng cũng chủ động giảm sản lượng.
Năm nay, tại các chợ hoa, đào miền Bắc được bày bán rất nhiều, nhất là khu vực Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) và công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Trong khi đó, mai vàng lại không nhiều như mọi năm. Tắc kiểng (quất) chủ yếu là tắc cây, còn tắc bội (tạo hình) gần như vắng bóng. Nguyên nhân là do làm tắc bội tốn nhiều công, chi phí cao, cộng thêm thị trường vài năm gần đây không còn chuộng nên các nhà vườn cũng không mặn mà.
Các loại hoa, kiểng năm nay có tăng giá đôi chút để bù vào giá vật tư, phân bón tăng mạnh suốt 1 năm qua. Cụ thể, đào miền Bắc mỗi gốc có giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng; một số cây thế, lâu năm giá khoảng vài chục triệu đồng/gốc. Tắc kiểng các loại có giá từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/cây.
Khu vực bán hoa tại Công viên Lê Văn Tám (TP HCM) đến 25 tháng chạp vẫn thưa thớt người mua
Các loại hoa nở năm nay khá dồi dào và giá cũng dễ chịu. Người bán hiểu được người tiêu dùng năm nay khó khăn vì dịch bệnh nên không còn "hét giá" như những năm trước. Cúc Hà Lan, cúc tiger, cúc rubi, cúc tím, vạn thọ có giá phổ biến khoảng 250.000 đồng/cặp, mồng gà 200.000 đồng/cặp, cúc mâm xôi 450.000 đồng/cặp, cúc đại đóa từ 1,5 - 15 triệu đồng/cặp...
Trong khi đó, người mua hoa, kiểng Tết đến thời điểm này vẫn còn thưa thớt. Ông Lê Thanh Tuấn (quê Bến Tre), bán tắc kiểng tại Công viên Lê Văn Tám, cho biết người đi xem hoa năm nay cũng ít hơn những năm trước. Đã 3 ngày qua, ông chưa bán được cây tắc nào!
Theo bà Huỳnh Ngọc Yến - ở Tiền Giang, bán cúc tại Công viên Gia Định - đến thời điểm này, sức mua yếu hơn năm ngoái nhiều. Mấy ngày nay, bà chỉ mới bán được vài cặp cúc - chỉ bằng một phần nhỏ số từ quê chuyển lên.
"Năm 2021, giá tất cả vật tư nông nghiệp đều tăng, giá nhân công cũng tăng, nếu buôn bán cứ ế ẩm thế này thì coi như gia đình tôi không có tiền ăn Tết, chưa kể còn lỗ thêm tiền vận chuyển" - bà Yến lo lắng.
Về hoa cắt cành để chưng, cúng trong những ngày Tết, ông Lý Phú Quý, Giám đốc HTX Dịch vụ Đầm Sen (chợ hoa Đầm Sen, TP HCM), cho biết tối 25 rạng sáng 26 tháng chạp, tiểu thương của chợ đăng ký nhập các loại hoa cắt cành từ Lâm Đồng, với số lượng khoảng 30 xe tải, mỗi xe 13 tấn, chủ yếu hoa ly, cúc, lay-ơn. Dự kiến, từ nay tới 28 Tết, tiểu thương nhập về chợ khoảng 100 xe hoa các loại, giảm 50 xe so với Tết năm ngoái.
Theo ông Quý, do sản lượng hoa Tết giảm nên giá tăng khoảng 30% so với ngày thường. Hiện nay, cúc thường bán sỉ tại chợ có giá 20.000 đồng/bó 5 cành, cúc lưới 50.000 đồng/bó, lay-ơn 40.000-50.000 đó/bó 10 cành, hoa ly từ 70.000-250.000 đồng/bó 5 cành, tùy loại.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng xác nhận hoa cắt cành từ Lâm Đồng về chợ này cũng không dồi dào như năm trước. Bình thường, vào thời điểm này, hoa cắt cành về chợ khoảng 200 tấn/ngày thì nay giảm còn 70-80 tấn/ngày. Các loại hoa cắt cành như ly, lay-ơn đều tăng giá từ 20% trở lên so với ngày thường.
Trong khi đó, theo bà Ngô Phương Hạnh, chủ hệ thống shop hoa tươi Hồng Ngọc tại TP HCM, do giá hoa tại vườn tăng nên giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng cũng tăng khoảng 10%-15% so với ngày thường. Cửa hàng của bà hiện kinh doanh các loại hoa do Dalat Hasfarm cung cấp, như cúc thạch bích có giá 19.000-20.000 đồng/bó, cúc lưới hồng giống mới 55.000 đồng/bó, cẩm chướng 84.000 đồng/bó, hồng 130.000 đồng/bó, tulip 85.000 đồng/bó, ly 140.000-270.000 đồng/bó...
Bình luận (0)