Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 4, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần lên tới 14,59 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 4 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 7,5 tỉ USD, năm 2017 đạt 10,6 tỉ USD và năm 2018 đạt 8 tỉ USD). Vốn FDI tăng mạnh ở các dự án cấp mới và góp vốn mua cổ phần.
Đáng lưu ý, lượng vốn thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh với 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,68 tỉ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.
Trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành - lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỉ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Ảnh: NLĐ
Hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,1 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 562,2 triệu USD.
Theo Hiệp hội bất động sản TP HCM, hiện nguồn vốn FDI đổ vào thị trường này chiếm khoảng 21% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Liên quan đến vốn cho thị trường bất động sản, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó nêu rõ sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân...
Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phân bổ vốn tín dụng đối với dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng…
Bình luận (0)