Trong khi đó, giá vàng trong nước lại “đủng đỉnh” khi chỉ giảm 60.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước, đóng cửa tuần ở mốc 47,4 triệu đồng/lượng. Sự biến động không cùng nhịp này đẩy chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới lên đến 2,7 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này là khó hiểu bởi cách đây hơn một tuần (từ ngày 20-9), Ngân hàng (NH) Nhà nước đã cho phép Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị độc quyền gia công vàng miếng SJC - được dập lại hơn 350.000 lượng vàng SJC (tương đương hơn 13 tấn vàng) gồm vàng móp méo và chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang SJC.
Thế nhưng, những ngày tiếp theo và kéo dài đến nay, giá vàng trong nước vẫn liên tục “bám đuổi” giá thế giới, có lúc còn “chạy” nhanh hơn thế giới. Và kết quả là cách biệt giá vàng trong nước với thế giới vẫn luôn duy trì từ 2 triệu đến 2,8 triệu đồng/lượng... Vậy 13 tấn vàng đã đi đâu? Đã ra thị trường để thực hiện “sứ mệnh” ổn định thị trường, kéo giá trong nước về sát thế giới hay chưa?
Nhiều người am hiểu thị trường vàng băn khoăn: Nếu so với những cơn sốt vàng thời điểm này năm ngoái, thị trường hiện tại không thật sự nhộn nhịp bằng. Những ngày giao dịch sôi động thì SJC cũng chỉ bán ra được khoảng 5.000-6.000 lượng vàng, ngày bình thường khoảng 2.000-2.500 lượng (thua xa mức bán ra lúc cao điểm 11.000 lượng dịp năm ngoái).
Nguồn cung không thiếu, lực mua cũng không nhiều. Vậy tại sao giá vàng trong nước vẫn neo ở mức quá cao, bất thường? Ai sẽ là người hưởng lợi thật sự đằng sau mức chênh lệch cao chót vót này?
Bình luận (0)