Thị trường chứng khoán trong nước ngày cuối tuần 18-8 chứng kiến đợt bán tháo lan rộng trên cả 3 sàn. Áp lực bán đã xuất hiện ngay khi thị trường mở cửa, độ rộng ngày càng lớn. Đến phiên chiều, VN-Index thủng mốc 1.200 điểm đã gây ra tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư.
Nhiều người đặt lệnh bán bằng mọi giá, kết quả gần như các mã trên sàn đều giảm. Chỉ số cuối phiên mất tới 55,49 điểm (-4,5%) và chốt tại 1.177,99 điểm; HNX-Index giảm 14,01 điểm còn 235,96 điểm trong khi Upcom-Index cũng giảm tới 3,47 điểm còn 89,27 điểm.
Trên sàn HOSE có tới 486 mã giảm điểm với 170 mã giảm sàn. Thanh khoản thị trường lập kỷ lục cao nhất từ đầu năm khi khối lượng giao dịch cả thỏa thuận lẫn khớp lệnh đạt tới hơn 1,7 triệu cổ phiếu, giá trị trên 36.100 tỉ đồng.
Tính chung trên 3 sàn, thanh khoản vượt 42.100 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,75 tỉ USD và có tới gần 280 mã chứng khoán giảm hết biên độ, đặc biệt các mã ở sàn HNX và UpCoM biên độ giảm lên tới 10% và 15% thay vì 7% như sàn HoSE.
Thị trường chứng khoán đỏ rực trong phiên lao dốc
Thị trường xuất hiện áp lực bán tháo nhưng lệnh mua cũng không ít, điều này khiến khối lượng giao dịch của thị trường cũng như nhiều mã đạt mức cao như: NVL khớp 73,8 triệu cổ phiếu; VND 59,5 triệu cổ phiếu, DIG 50 triệu cổ phiếu, DXG 48 triệu cổ phiếu…
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup sau nhiều ngày tăng từ hiệu ứng VinFast lên sàn chứng khoán ở Mỹ cũng giảm hết biên độ 6,95% trong phiên hôm nay, còn 66.900 đồng. Đây cũng chính là mã cổ phiếu giảm mạnh đầu tiên tạo áp lực bán lan rộng toàn thị trường.
Nhiều nhà đầu tư sốc khi thị trường bất ngờ lao dốc mạnh, cổ phiếu nằm sàn la liệt dù không có thông tin tiêu cực nào. Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều công ty chứng khoán cho biết thị trường đã tăng liên tục từ tháng 5 đến nay và chưa có nhịp chỉnh nào đáng kể, nên nhịp giảm là điều dễ hiểu nhưng giảm sốc như phiên này thì không ai lường được.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định thực tế thị trường chứng khoán quốc tế với các thị trường Mỹ đã giảm trong 2 tuần qua và giảm mạnh từ đầu tuần, chỉ riêng thị trường Việt Nam, VN-Index đi ngang với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC kéo chỉ số.
Do đó, thông tin về việc China Evergrande, tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã "châm ngòi" cho đà bán tháo trên diện rộng ở thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh áp lực tỉ giá USD/VNĐ tăng và lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao.
"Dù giảm sốc nhưng thường khi thị trường điều chỉnh mạnh cũng sẽ nhanh hồi phục trong những phiên tới, xu hướng điều chỉnh là ngắn hạn còn triển vọng trung dài hạn là chưa thay đổi" - ông Nguyễn Thế Minh nói.
Ông Võ Kim Phúc, Phó trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán BETA, cũng cho rằng, thị trường đã tăng một chuỗi dài sau khi vượt qua vùng 1.100 điểm và chưa có sự điều chỉnh nào đáng kể. Xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại đã có dấu hiệu suy yếu mấy ngày qua.
"Có điều, dù đã chuẩn bị trước kịch bản nhưng pha điều chỉnh trong phiên hôm nay là quá nhanh và quá gắt" - ông Phúc nói.
Bình luận (0)