Ngày 17-12, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức".
Phiên toàn thể của diễn đàn diễn ra vào chiều 17-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Trong khuôn khổ diễn đàn sáng 17-12 sẽ diễn ra 4 hội thảo chuyên đề. Tại hội thảo chuyên đề "Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững", TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, đã nêu tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 và những vấn đề đặt ra trong năm 2023.
Hội thảo chuyên đề "Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững"
Theo ông Cấn Văn Lực, tuy đang trải qua giai đoạn sóng gió, thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực trong cuối năm 2022 và năm 2023, khi tăng trưởng GDP đạt mức cao, lạm phát kiểm soát ở mức thấp so với thế giới, tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan. Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh một số hành vi sai phạm như thao túng thị trường bị xử lý cũng giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Trong năm 2023, theo TS Lực, thị trường chứng khoán sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào thị trường này thời gian qua đều giảm.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đứng trước áp lực giải chấp, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh. Bên cạnh những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như rủi ro, thách thức gia tăng, theo TS Cấn Văn Lực, tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên, dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm, từ đó tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Về thị trường trái phiếu, ông Cấn Văn Lực cho biết trong 11 tháng năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163 ngàn tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh.
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025, khoảng hơn 700 ngàn tỉ đồng, chưa tính tiền lãi.
Đối với nhóm bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215 ngàn tỉ đồng năm 2021 và 50 ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 (xếp thứ 2 về khối lượng, sau các tổ chức tín dụng), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới, khoảng 115 ngàn tỉ đồng/năm, chưa tính tiền lãi.
Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, TS Cấn Văn Lực cho biết các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...) để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Do đó, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Phó Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cũng nhấn mạnh thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn vừa qua, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỉ đồng/phiên trong tháng 4-2022 xuống còn 13.017 tỉ đồng/phiên trong tháng 11.
Tính chung 11 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỉ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021. "Những biến động trên thị trường chứng khoán nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới"- bà Phương cho hay.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo bà Vũ Thi Chân Phương, thời gian qua thị trường này có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý, nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn.
Trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh khó khăn là có nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. "Thời gian tới, UBCKNN sẽ hoàn thiện khung pháp lý nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán"- bà Phương nhấn mạnh.
UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường theo hướng minh bạch và bền vững.
Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Theo đó, nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 128/2021/ND-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật. Theo ông Lực, mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỉ đồng với cá nhân và 3 tỉ đồng với tổ chức vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng.
Bình luận (0)