Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, TP HCM đang có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Tuy nhiên, nếu không tiết chế, nguồn cung căn hộ cao cấp tăng lên, áp lực dư cung có thể xảy ra.
Theo ông Lê Hoàng Châu, tình trạng “bong bóng” ở BĐS khó xảy ra như những năm trước bởi qua thực tiễn nhiều nước, “bong bóng” BĐS thường xuất hiện khi hội đủ các yếu tố: nền kinh tế phát triển quá nóng; buông lỏng chính sách tín dụng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách dễ dãi; phát triển lệch pha trên thị trường BĐS và thường xảy ra tại phân khúc cao cấp; nhà đầu cơ găm hàng, làm giá, kích động, tạo nhiều đợt sóng, đẩy giá ảo trên thị trường BĐS; thiếu sự can thiệp hợp lý bằng các đòn bẩy kinh tế của nhà nước vào thị trường BĐS. Từ đó, ông Lê Hoàng Châu cho rằng chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “bong bóng” BĐS trong năm 2015 và có thể cả năm 2016.
Ông Châu chứng minh thêm cho nhận định trên: Nền kinh tế nước ta trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12,51%, năm 2014 nhích lên 12,62%, dự kiến năm 2015 cũng chỉ ở khoảng 16%, trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2007 - đỉnh điểm của “bong bóng” BĐS - lên đến 37,80%. Vả lại, Chính phủ đang ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt; đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại… Hiện nay, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý.
“Mặc dù phân khúc BĐS cao cấp đang có chiều hướng tăng trưởng mạnh nhưng có thể nhận định vẫn còn trong tầm kiểm soát, giao dịch BĐS vẫn đang diễn ra bình thường, chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo…” - ông Châu nói.
Cũng theo Horea, thị trường BĐS 7 tháng đầu năm 2015, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ (1 -2 phòng ngủ) với giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn hộ đang tăng trưởng là phân khúc phát triển bền vững - trụ cột của thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng. Phân khúc này vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Quan trọng hơn là sức mua ở thị trường BĐS còn hạn chế. Trong khi đó, kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng còn thấp, chậm và chưa đạt như kỳ vọng nên chưa hỗ trợ được nhiều cho người tiêu dùng. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng đến nay vẫn chưa có các nghị định, thông tư hướng dẫn đã làm chậm việc áp dụng luật vào cuộc sống.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên thị trường BĐS cho rằng nếu căn hộ cao cấp bị đầu cơ, mua để chờ thị trường tăng giá bán lại thì đến năm 2017-2018, cùng với một lượng rất lớn căn hộ cao cấp giao nhà trong năm 2017-2018, nguồn cung này sẽ trở thành gánh nặng đối với thị trường.
“Vài năm tới, nếu không có chiến lược riêng, không vững mạnh tài chính, nhiều doanh nghiệp sẽ quay lại thời khó khăn” - theo lãnh đạo doanh nghiệp này.
Lượng giao dịch tăng
Theo Horea, giao dịch BĐS tại TP HCM tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Sáu tháng đầu năm 2015, đã có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3%-5%. Sự hồi phục của thị trường BĐS là nhờ cải thiện trong công tác quản lý, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường BĐS, như cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà; thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Quan trọng hơn là niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư, ngân hàng đã cải thiện, góp phần thúc đẩy giao dịch tăng mạnh trên thị trường BĐS.
Bình luận (0)