Từ sự cố hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) bị quá tải do dòng tiền lớn liên tục đổ vào, cho thấy những giải pháp trong thời gian qua của HoSE như đề xuất nâng đơn vị giao dịch, tạm ngưng giao dịch, kêu gọi khách hàng hạn chế chia nhỏ lệnh giao dịch, hạn chế lệnh hủy, sửa… đều chỉ là những giải pháp tình thế mang tính đối phó.
Nếu giải thích sự gia tăng thanh khoản thị trường nhờ vào sự gia tăng đột biến của các nhà đầu tư cá nhân thì số lượng lệnh giao dịch chắc chắn còn tăng nhiều hơn so với quy mô giao dịch, gây sức ép rất lớn lên hệ thống. Chúng ta có thể thông cảm phần nào với những sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua tại HoSE nhưng vấn đề này đã lặp lại không chỉ một lần. Trên khía cạnh kinh doanh, HoSE đang nợ khách hàng của mình là các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán một hạ tầng dịch vụ tốt. Trên khía cạnh trách nhiệm xã hội, HoSE đang cần phải hoàn thiện một cấu phần trong hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính (financial infrastructure) để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, thu hút và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư đại chúng.
Cần biết công ty cổ phần được xem là một trong những phát minh tài chính quan trọng bậc nhất của nhân loại, nó có 2 đặc tính quan trọng, khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác, đó là không hạn chế số lượng cổ đông tối đa và cổ phần được chuyển nhượng tự do. Đặc điểm đầu tiên giúp công ty cổ phần "đại chúng hóa" cơ cấu sở hữu, có thể huy động vốn từ một số lượng rất lớn cổ đông nhằm "tích tiểu thành đại". Đặc điểm thứ hai tạo ra tính thanh khoản của cổ phiếu, có thể "tích đoản thành trường" giúp tập hợp rất nhiều khoản đầu tư có mục tiêu đầu tư ngắn hạn thành nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Tính đại chúng và tính thanh khoản chính là nền tảng căn bản của thị trường chứng khoán. Thu hút và bảo vệ các nhà đầu tư đại chúng luôn là nguyên tắc hoạt động xuyên suốt trên thị trường chứng khoán của tất cả quốc gia.
Giai đoạn trước khi hình thành thị trường chứng khoán chính thức, cổ phần của các công ty có mệnh giá không thống nhất, nhiều công ty có mệnh giá cổ phần lên đến hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán (ban hành ngày 11-7-1998) lần đầu tiên quy định cổ phần phát hành ra công chúng có mệnh giá là 10.000 đồng. Quy định đó vẫn tiếp tục được duy trì đến hiện nay, sau rất nhiều lần thay đổi các văn bản pháp quy về thị trường chứng khoán. Ngoài việc tạo ra sự thống nhất về mệnh giá cổ phần, chắc chắn quy định này đã hướng đến tính đại chúng, thu hút sự tham gia và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hệ thống giao dịch của HoSE tiếp tục gặp trục trặc trong phiên giao dịch ngày 2-6. Ảnh: Sơn Nhung
Việc áp dụng quy định đơn vị giao dịch cũng là bài toán mà các nhà quản lý thị trường luôn phải cân nhắc kỹ, bởi nó ảnh hưởng lớn đến việc thu hút và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong những năm đầu, 1 đơn vị giao dịch (trading unit hay còn gọi là "board lot") tại HoSE là 10 cổ phần hoặc chứng chỉ quỹ, sau đó được nâng lên mức 100. Tại Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), 1 đơn vị giao dịch được tính là 100 cổ phần hay chứng khoán khác; nếu 1 loại chứng khoán có mức giá 500 baht (khoảng 350.000 đồng) hoặc cao hơn liên tục trong 6 tháng thì 1 đơn vị giao dịch là 50 chứng khoán. Tại Sở Giáo dịch Chứng khoán Thượng Hải cũng quy định các lệnh mua bán cổ phần, chứng chỉ quỹ là bội số của 100.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt. Năm 2019, quy mô giao dịch theo phương thức khớp lệnh tại HoSE bình quân đạt khoảng 30 triệu đơn vị/tháng. Trong khi đó, quy mô giao dịch bình quân của tháng 3, 4 và 5-2021 đã đạt khoảng 135 triệu đơn vị/tháng (tăng khoảng 350%), giá trị giao dịch cũng tăng tương ứng. Điểm đáng chú ý là quy mô và giá trị giao dịch tăng lên đột biến trong khi bối cảnh thị trường không có sự thay đổi đáng kể về số lượng công ty và quy mô niêm yết. Điều này có thể giải thích bằng 2 lý do, đó là sự xác lập tỉ lệ vòng quay mới của thị trường và sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư cá nhân mới. Nhìn vào thanh khoản của thị trường thì đây là một tín hiệu rất vui khi thị trường chứng khoán đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư đại chúng sau thời gian dài lạnh nhạt. Các công ty chứng khoán và cả sở giao dịch chứng khoán cũng tăng đáng kể nguồn thu từ phí giao dịch.
Thực tiễn đang đòi hỏi HoSE cần có lộ trình, kế hoạch rõ ràng trong việc nâng cấp, đổi mới hạ tầng công nghệ cho hệ thống giao dịch chứng khoán và truyền thông rõ ràng tới công chúng.
Giao dịch tiếp tục "xập xình"
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2-6, hoạt động giao dịch trên hệ thống của HoSE vẫn tiếp tục "xập xình" khi lệnh của nhà đầu tư đặt vào bị nghẽn, lệnh báo khớp chậm và việc hủy, sửa lệnh không được triển khai.
Ngay khi mở đầu phiên sáng, thị trường đã sôi động với nhiều lệnh chứng khoán đã đặt vào hệ thống. Sau đó áp lực quá tải tiếp tục đã khiến lệnh vào chậm, thông báo kết quả cũng chậm. Nhiều nhà đầu tư không sửa được lệnh nên tỏ ra bức xúc. Đến hơn 10 giờ thì thị trường tiếp tục "đơ". Đến khi đóng cửa phiên sáng, VN-Index đã giảm 2,78 điểm, còn 1.335 điểm. HNX-Index phiên sáng cũng giảm 0,95 điểm, còn 317,51 điểm. Lúc này, một số công ty chứng khoán đã phải thông báo đến các nhà đầu tư khuyến khích hủy, sửa lệnh...
Trước tình hình trên, đại diện HoSE cho biết đang phối hợp với FPT triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước để tạo ra một giải pháp giảm tình trạng quá tải hiện nay của HoSE. Đây là giải pháp sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và sẽ triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HoSE để có thể thay thế hệ thống khớp lệnh của HoSE. Theo ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, hệ thống đang kiểm tra, có thể vận hành vào tháng 7 tới.
Sơn Nhung
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-6
Bình luận (0)