Hạt dổi được biết đến là một trong những loại gia vị đặc trưng bậc nhất trong văn hóa ẩm thực của người Tây Bắc. Đến nay, loại cây này đã được trồng, phát triển ở nhiều nơi. Tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, người dân đã bắt đầu thu hoạch vụ hạt dổi đầu tiên từ đầu tháng 8.
Lấy giống từ rừng
Anh Nguyễn Hữu Thảnh (thôn 1, xã Spai, huyện Kbang), một trong những người đầu tiên trồng cây dổi, cho biết cách đây 6-7 năm, anh xem trên mạng thấy hạt dổi là loại gia vị đặc trưng trong nét ẩm thực người Tây Bắc. Trùng hợp là cây dổi mọc rất nhiều trong núi rừng Kbang. Thấy vậy, anh Thảnh liền tìm những cây dổi non đưa về vườn nhà trồng để có hạt dổi dùng hằng ngày. Đến nay, những cây trồng đầu tiên đã cao 4-5 m, nhiều quả, lá xanh um.
"Thấy ăn ngon, tôi lấy mang về trồng để ăn chứ không nghĩ tới việc trồng đại trà lấy hạt bán. Tuy nhiên, những năm gần đây thì thương lái tìm đến mua với giá khá cao, từ 1,2-1,6 triệu đồng/kg nên tôi mua giống trồng thêm. Người dân ở đây cũng trồng ngày càng nhiều" - anh Thảnh kể.
Những cây dổi của gia đình ông Nguyễn Văn Thẩm đang chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên
Gần nhà anh Thảnh, mảnh rẫy gần 6 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Thẩm cũng đang trồng 200 cây dổi. Theo ông Thẩm, trước đây, diện tích rẫy này ông trồng hồ tiêu nhưng thất bại nên chuyển sang trồng cà phê và mắc ca. Năm 2019, thấy người dân trồng dổi hiệu quả nên ông sang tỉnh Đắk Lắk mua giống về trồng xen lẫn vào.
"Tôi trồng dổi xen giữa rẫy với cả cà phê, mắc ca. Có lẽ do hợp đất nên cây dổi phát triển tốt. Năm ngoái, tôi đã thu hái được một ít; năm nay bắt đầu vào vụ chính, quả nhiều lắm nhưng chờ chín thêm chút nữa tôi mới thu hái" - ông Thẩm hồ hởi cho biết và hy vọng loại cây mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, lâu dài.
Tìm đầu ra ổn định
Theo những người dân huyện Kbang, cây dổi rất dễ trồng, ít công chăm sóc, ít phân bón và hầu như không phải dùng tới hóa chất. Với mức giá đang được tiểu thương thu mua 1,2-1,6 triệu đồng/kg, người trồng thu lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, điều người dân lo lắng là đầu ra không ổn định về lâu dài. Ngoài ra, đây loại cây mới nên địa phương chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật để tăng sản lượng.
Ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Spai, cho biết hiện xã có 5 thôn trồng dổi với tổng diện tích khoảng 65 ha. "Ở nhiều địa phương khác, cây dổi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng loại cây này cũng sẽ mở thêm một hướng làm giàu mới cho người dân địa phương" - ông Cường bày tỏ.
Theo ông Mã Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang, trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu vào rừng thu hái hạt dổi về sử dụng. Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Kbang trích ngân sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số mua giống cây dổi xanh về trồng để thay thế những cây không hiệu quả. Trước mắt, huyện khuyến khích người dân trồng xen dổi với những loại cây cũ để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập.
Ông Tình cho biết trong thời gian tới, khi cây dổi bước vào thu hoạch ổn định, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tìm doanh nghiệp liên kết để bảo đảm đầu ra, giá thành tốt cho người dân.
Bình luận (0)