xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ì ạch giải ngân dù tiền có sẵn: "Nghẽn" đường tăng trưởng

PHƯƠNG NHUNG - MINH CHIẾN

Chậm giải ngân khiến đồng vốn không ra được thị trường, không sinh sôi, thậm chí gây lạm phát

Trả lời đại biểu Quốc hội (QH) trong phiên chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH ngày 15-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nhiều năm nay, tâm lý "đủng đỉnh đầu năm" vẫn tồn tại, cuối năm mới thực hiện thủ tục giải ngân. Bên cạnh đó, có sự e ngại, ỷ lại, sợ trách nhiệm nên thực hiện chậm lại các thủ tục đầu tư theo quy định.

Sợ trách nhiệm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều dự án trên thực tế có khối lượng nhưng chưa quyết toán nên số liệu giải ngân thấp. Ngoài ra, năng lực của các nhà đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu… còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm là do tâm lý chủ quan của một số địa phương. Vì được kéo dài thời hạn giải ngân trong 2 năm, nhiều nơi không quyết liệt ngay từ đầu. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án cũng khiến tiến độ chung bị ảnh hưởng.

Ì ạch giải ngân dù tiền có sẵn: Nghẽn đường tăng trưởng - Ảnh 1.

Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên (TP Hà Nội) đang bị chậm tiến độ vì thiết kế, dự toán... chưa được phê duyệt Ảnh: Ngô Nhung

Trong khi đó, khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) là do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt; có tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm.

Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhìn nhận một số quy định của Luật Đầu tư công khi áp dụng trong thực tế đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc chậm phê duyệt danh mục dự án cũng khiến chuyện giải ngân vốn chậm so với kế hoạch được duyệt. Các dự án triển khai chậm còn do vướng mắc về khâu lập hồ sơ ban đầu, quyết toán công trình, từ quá trình tổ chức đấu thầu đến thực hiện dự án của các đơn vị chưa phối hợp nhịp nhàng, vướng mắc trong GPMB, các công trình ngầm...

Đại biểu QH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh đến tình trạng "nể nang" cho ghi vốn, tổ chức đấu thầu thi công khi chưa có chính sách đền bù GPMB thỏa đáng. Thậm chí, có hiện tượng e ngại trách nhiệm, đổ cho nhau, không quyết liệt cưỡng chế GPMB.

"Có "vấn đề" trong điều hành, chỉ đạo của cơ quan chức năng làm giảm sự cương quyết, rồi quy trình thủ tục làm chưa tới nơi tới chốn, đẩy đưa trách nhiệm. Chỗ béo bở, màu mỡ ai cũng muốn nhưng cái khó khăn, khúc mắc thì người ta lại ngán ngại, tạo thành vòng luẩn quẩn: công trình chờ tiền, còn tiền dù có cũng không giải ngân được" - ông Phạm Văn Hòa băn khoăn.

Giảm hiệu quả đồng vốn

Chậm giải ngân vốn đầu tư công được coi là vấn đề nhức nhối bởi nó tác động trực diện đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tăng trưởng GDP cả năm.

Đại biểu QH Phạm Văn Hòa phân tích: "Đồng vốn theo đúng nghĩa của nó là phải quay ra thị trường nhiều vòng mới phát huy được giá trị. Nếu không giải ngân, chỉ nằm im trong kho bạc sẽ không sinh sôi, không hỗ trợ được cho các mục tiêu đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, tức tăng trưởng GDP sẽ chậm lại. Không có dự án đầu tư công nào được triển khai và đưa vào vận hành, tức các dự án liên quan đến dịch vụ "ăn theo" của nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, du lịch… cũng sẽ giẫm chân tại chỗ. Tóm lại, tiền nằm trong két sắt không "đẻ" ra thêm được là đồng vốn chết".

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các hiệp định đã ký kết. Chuyên gia này nhấn mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng nghịch lý ở nước ta là có tiền nhưng không thể tiêu được, đồng nghĩa với việc có nguồn lực mà không thể sử dụng cho đầu tư phát triển.

"Câu chuyện "giao tiền nhưng không tiêu được" xảy ra nhiều năm qua rồi. Mỗi năm đều tổng kết nguyên nhân, đưa ra phương hướng nhưng cuối cùng không giải quyết được triệt để" - ông Doanh lo ngại.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - thành viên Hội đồng Sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - nêu quan điểm nếu các dự án trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, du lịch của DN tư nhân được đầu tư xung quanh khu vực có dự án đầu tư công bị đình đốn sẽ tác động không chỉ ở góc độ vi mô mà còn tới cả nền kinh tế. "Khu vực tư nhân rất quan trọng với nền kinh tế nên khu vực này nghẽn phát triển, tức quốc gia cũng nghẽn tăng trưởng" - ông nhìn nhận.

Đưa ra góc nhìn có phần thận trọng hơn trong việc thúc đẩy giải ngân vốn, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng dù nhu cầu đẩy nhanh giải ngân là có nhưng phải lưu ý đến hiệu quả đầu tư. "Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công hiệu quả sẽ là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng. Việc "ngâm" các khoản tiền như ODA, trái phiếu… sẽ khiến chi phí vốn tăng lên. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm nay cơ bản sẽ đạt mục tiêu đặt ra, do vậy giải ngân cần tính đến hiệu quả. Nếu không, chúng ta dễ đi từ chậm giải ngân gây đình trệ dự án chuyển qua vung tiền mà không hiệu quả" - ông Thành nêu quan điểm. 

Quy định chồng chéo

Theo các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc chậm giải ngân còn gây lãng phí lớn khi Chính phủ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải tốn thêm chi phí do sự chậm trễ, chi phí quản lý dự án tăng lên; tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng uy tín của Việt Nam... Do đó, việc chậm giải ngân cần được xử lý triệt để.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá sau hơn 4 năm triển khai Luật Đầu tư công, thể chế pháp luật liên quan vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công với các quy định tại những luật khác và quy định của QH, Chính phủ... hoặc quy định chưa phù hợp gây khó khăn trong việc thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của dự án. Do quá nhiều chồng chéo trong khi thời gian từ lúc lập dự án đến khi được đưa vào kế hoạch vốn thường kéo dài, các thông số ban đầu của nhiều dự án đã không còn phù hợp, phải điều chỉnh, thay đổi. Luật Đầu tư công sửa đổi đã được QH thông qua nhưng phải đến ngày 1-1-2020 mới có hiệu lực.

T.Phương

Kỳ tới: Tháo nút thắt cổ chai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo