Đó là thực trạng được lãnh đạo ngành công thương, giao thông vận tải và các doanh nghiệp (DN) nêu ra tại Diễn đàn Logisitcs Việt Nam lần thứ hai, chủ đề “Logistics thúc đẩy thương mại và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu”, tổ chức sáng 27-11 ở TP HCM.
Vấn đề rất nghiêm trọng!
Việt Nam được đánh giá có điều kiện tự nhiên và địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, đóng gói bao bì…). Thế nhưng, ngành logistics vẫn chưa thể “cất cánh”. Các DN cho biết chi phí hoạt động logistics hiện quá cao, nếu không có giải pháp kéo giảm thì sắp tới, nhà đầu tư sẽ chuyển sang các quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh hơn.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, đánh giá chi phí logistics tại Việt Nam hiện cao hơn 10% so với các nước là vấn đề rất nghiêm trọng. Khiếm khuyết chính hiện nay là việc vận hành hệ thống cảng của Việt Nam chưa hợp lý, có những cảng đang quá tải trong khi một số cảng chưa khai thác hết tiềm năng. Tập đoàn Hoa Sen và nhiều DN khác đặt nhà máy tại KCN Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) một phần vì nơi đây có cụm cảng quốc tế Thị Vải, Cái Mép, Phú Mỹ… nhưng thực tế, rất ít hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này.
“Chúng tôi phải vận chuyển hàng trên quãng đường 160 km (đưa container rỗng đến nhà máy để đóng hàng và chở container hàng ra cảng) từ KCN Phú Mỹ đến cụm cảng TP HCM để xuất khẩu. Chi phí vận chuyển vì thế tăng lên gấp 3 lần. Bên cạnh đó, việc thiếu tàu chuyên dụng và tàu container, địa bàn hoạt động của tàu container Việt Nam chỉ loanh quanh khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc nên việc chuyển hàng đi châu Mỹ, châu Âu, châu Phi đều lệ thuộc vào cước phí và lịch trình của các hãng tàu nước ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín cũng như khả năng tìm khách hàng mới để mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Vũ dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận thời gian qua, các DN logistics và DN xuất nhập khẩu chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc nhiều DN xuất nhập khẩu trong nước phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phải nhanh chóng thay đổi
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang chậm lại so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam sắp gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và đã, đang, sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại. Vì thế, khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu và khả năng vận tải logistics của DN Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi để theo kịp sự tăng trưởng trong hội nhập.
Hiện chưa có thống kê chính xác Việt Nam có bao nhiêu DN logistic. Theo đánh giá của Viện Nomura (Nhật Bản), các DN logistics Việt Nam chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu thị trường.
Ông Ngô Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, than phiền những năm qua, chúng ta nói rất nhiều về logistics nhưng trên thực tế, không chỉ cơ quan quản lý mà ngay cả người đang làm việc trong các ngành dịch vụ liên quan đến logistics vẫn nhận thức chưa hoàn chỉnh về logistics. Điều này làm hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển ngành logistics.
“Để nâng cao năng lực và hiệu quả của logistics Việt Nam, cần chọn khâu đột phá trong các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Các cửa khẩu xuất nhập hàng hóa chính là nơi cần thay đổi đột phá, phải cải tiến, nâng cấp ngay lập tức mà không cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian...” - ông Minh đề xuất.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng Bộ Công Thương cần thường xuyên gặp gỡ các DN logistics và DN xuất nhập khẩu để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách. Song song đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại 2005 và Nghị định 10/2007/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh logistics để phù hợp với tình hình phát triển của ngành dịch vụ này; có văn bản giải thích rõ ràng tính minh bạch của các cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới liên quan đến logistics.
Cải tiến chất lượng dịch vụ
Năm 2014, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã có bước phát triển mới, tăng trưởng với chất lượng tốt hơn năm 2013 và đứng thứ 48 thế giới (năm 2012 đứng thứ 53) - theo nghiên cứu xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về chỉ số hoạt động logistics. Hiện tốc độ phát triển thị trường logistics trung bình 16%-20%/năm. Các DN logistics đã mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vốn điều lệ bình quân của DN vừa và nhỏ đã tăng từ 4-5 tỉ đồng lên 9 tỉ đồng/DN. Tuy nhiên, tỉ lệ thuê ngoài còn thấp, khoảng 25%-30%, chi phí dịch vụ còn cao và chất lượng dịch vụ còn phải cải tiến nhiều hơn.
Bình luận (0)