Tại buổi Họp báo thường niên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - Văn phòng Việt Nam sáng nay 17-10, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, cho biết mặc dù nhiều dự án ODA mới về Hợp tác Kỹ thuật, Viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như: Một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai…
Ông đánh giá đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương khác.
"Một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai… Ví dụ dự án đường sắt đô thị tại TP HCM, do vấn đề chậm thanh toán nên dự án đang vướng phải một số khó khăn để tiếp tục triển khai. Chính vì thế, JICA đang cố gắng hết sức để làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam để có thể thúc đẩy triển khai các dự án này"- ông Konaka nhấn mạnh.
Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, phạt biểu tại buổi họp báo
Ông cũng cho rằng với các dự án hạ tầng quy mô lớn, từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành mất thời gian tương đối dài, vì vậy, nếu không sớm thúc đẩy triển khai, thì có thể trong lương lai, dự án có thể sẽ gặp thêm các khó khăn và vướng mắc. "Đây là vấn đề tôi đang rất quan ngại"- ông lưu ý.
Mặc dù đánh giá cao khi tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể, ông Konaka cũng cảnh báo cần thận trọng để không rơi vào tình trạng ghìm nợ công quá mức, có thể gây tác động không lành mạnh cho nền kinh tế.
"Tỉ lệ nợ công của Việt Nam hiện nay giảm, do thắt chặt chi tiêu dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng không chỉ dự án của JICA mà cả các dự án của Chính phủ Việt Nam cũng như các dự án của các nhà tài trợ khác. Nếu chúng ta không giải ngân được, tức là không có tiền, dự án sẽ không thể triển khai tiếp các bước cũng như không triển khai xây dựng được. Đặc biệt, đối với các dự án hạ tầng có quy mô lớn mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết Chính phủ cần có giải pháp linh hoạt để có thể giải ngân sớm với các dự án hạ tầng, đó là điều mấu chốt hiện nay"- ông chia sẻ.
"Điều chúng tôi quan ngại là khi giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ dẫn đến chi trả chậm cho các dự án, đặc biệt là có sự tham gia của DN tư nhân sẽ ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực đến đầu tư mới của DN tư nhân cũng như ý định đầu tư, mở rộng đầu tư của các DN. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này và đang có hướng giải quyết, cải thiện để có thể xử lý những khó khăn hiện nay, như việc sửa đổi một số nghị định, quy định liên quan. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trao đổi với các bộ ngành có liên quan để thúc đẩy các dự án đang còn chậm"- Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam nói.
Chia sẻ về định hướng thời gian tới, đại diện JICA cho biết sẽ chú trọng đến Dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn của Chính phủ Việt Nam gồm Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDS) đến năm 2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDP) đến năm 2025.
"Cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới và bối cảnh Việt Nam tăng trưởng vượt trội, hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như: Hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong "Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi"; tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công - tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng… JICA sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác phát triển nhằm giải quyết các vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi khu vực và quốc tế, theo chiến lược "Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do" và chính sách "Cơ sở hạ tầng chất lượng cao" của Chính phủ Nhật Bản"- ông Konaka cho biết.
4-2019 đến tháng 9-2019 không ký kết hiệp định vay vốn ODA mới
Theo JICA, từ tháng 4-2019 đến tháng 9-2019, đang có 28 dự án vốn vay ODA được cơ quan này triển khai tại Việt Nam, không ký kết Hiệp định vay vốn mới nào. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân (Gross) là 8,798 tỉ Yên.
Dự án Hợp tác Kỹ thuật (HTKT): 1 dự án đã hoàn thành, 33 dự án đang triển khai, trong đó có 2 dự án mới.
Dự án viện trợ không hoàn lại: 4 dự án đang triển khai, trong đó có 1 dự án mới.
Dự án chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản: 4 dự án đã hoàn thành, 51 dự án đang triển khai (trong đó có 19 dự án mới).
Chương trình đối tác phát triển: 3 dự án đã hoàn thành, 25 dự án đang triển khai (trong đó có 10 dự án mới).
Có 55 tình nguyện viên đang hoạt động (trong đó có 13 tình nguyện viên mới được cử sang Việt Nam).
Bình luận (0)