Khoảng 30.000 người tham gia Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) cho tới thời điểm doanh nghiệp (DN) này tự xin rút giấy phép (ngày 25-4). Con số này đã giảm rất nhiều so với trước đó bởi từ khi hoạt động kinh doanh đa cấp bị siết chặt quản lý, nhiều người đã xin rút khỏi công ty này.
Mập mờ thông tin
Đến trụ sở TNMU ngay sau khi nghe thông tin DN đa cấp này nộp hồ sơ xin ngừng kinh doanh, bà N., người tham gia hơn 10 mã kinh doanh tại đây, cho biết bà không rõ động thái có ảnh hưởng đến người tham gia không. Nhất là việc TNMU chuyển sang mô hình tập đoàn và vẫn có một nhánh kinh doanh bán hàng đa cấp thì các mã kinh doanh sẽ được chuyển y nguyên sang hay phải bắt đầu lại từ đầu?
Do đó, bà tới để xin thanh lý hợp đồng nhưng công ty hẹn sau 3 tháng mới giải quyết. “Phía công ty bảo do tôi có nhiều mã nên giải quyết sẽ lâu hơn. Hơn nữa, thời điểm này có nhiều người đến thanh lý hợp đồng nên chờ đến lượt sẽ mất thời gian. Nếu như trong năm ngoái đến thanh lý hợp đồng thì chỉ mất 1-2 tuần” - bà N. nói.
Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã thu hút khoảng 30.000 người tham gia bán hàng đa cấp
Một người phụ nữ khác tham gia mạng lưới này cũng thú thật không biết việc TNMU cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp đã có 80 lượt vi phạm pháp luật tại 34 tỉnh, thành phố và bị xử phạt hơn 1,5 tỉ đồng.
Thực tế, việc các công ty bán hàng đa cấp bị cơ quan quản lý “sờ gáy” trong thời gian qua đã khá quen thuộc. Tuy nhiên, dư luận vẫn bức xúc khi nhiều hệ thống đa cấp đình đám lại hầu như được “an toàn” dù có nhiều sai phạm. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khâu thông tin là việc đáng lưu ý đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp. “Tôi có cảm giác việc tuyên truyền khá mập mờ. Nói là phạt hàng tỉ đồng nhưng đến tận khi DN ngừng hoạt động thì mới biết họ đã từng bị phạt như thế. Vậy sao cơ quan chức năng không công bố thông tin, tuyên truyền mạnh hơn để cảnh báo người dân” - ông Phong đặt vấn đề.
Do cơ chế hay cán bộ?
Tìm hiểu về phương thức hoạt động của TNMU, phóng viên ghi nhận có những điều khoản rất vô lý nhưng người tham gia vẫn “nhắm mắt” làm theo. Một thành viên của mạng lưới này cho biết theo quy định, khi muốn vào hệ thống, phải bỏ ra 14 triệu đồng để mua 1 sản phẩm. Sản phẩm này được bóc ngay nhãn mác nên người tham gia không thể trả lại. Với mỗi lần mua sản phẩm như thế, người tham gia sẽ được cung cấp một mã kinh doanh. “Tôi mua đến cả chục mã, tốn khá nhiều tiền nhưng chỉ những sản phẩm mới sau này, chưa bán được thì mới được trả lấy lại tiền, còn tiền mua mã coi như mất trắng” - thành viên này bộc bạch.
Một chân rết khác có vốn lớn trong mạng lưới thừa nhận theo hợp đồng, sau 30 tháng, bà mới được rút hết vốn và lãi. Nếu rút sớm sẽ bị trừ ít nhất 10% vốn đầu tư, con số này không hề nhỏ nhưng các thành viên phải chấp nhận nếu muốn thanh lý hợp đồng sớm. Trong khi đó, theo Nghị định 42/2014 về kinh doanh đa cấp, khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, DN có nghĩa vụ bảo đảm các quyền lợi của người tham gia.
Trong trường hợp công ty không còn khả năng thanh toán, nghĩa vụ với người tham gia được thực hiện bằng cách lấy khoản tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trên thực tế, người mắc bẫy đa cấp rất khó đòi quyền lợi bởi số người tham gia quá lớn, trong khi số tiền ký quỹ lại quá ít.
“Trong mô hình hoạt động của đa cấp biến tướng, DN trả tiền hoa hồng rất cao cho những người đứng đầu. Ai góp tiền vào cũng được nhận hoa hồng ngay, kể cả chưa nhận hàng. Thế nên, DN không có tiền để làm vốn. Khi gặp sự cố, “thủ lĩnh” chạy mất, người tham gia đến đòi lại vốn nhưng DN không có tiền” - một chuyên gia phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng không phải các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực này quá lỏng lẻo nên TNMU có cơ hội “ve sầu thoát xác”. Hiện nay, các quy định liên quan đến lĩnh vực này đã khá chặt chẽ. Tuy nhiên, theo ông Đức, có biểu hiện cơ quan quản lý “phớt lờ” vi phạm của DN hoặc trong quản lý thiếu chuyên nghiệp, chưa mạnh tay. “DN dù không muốn lừa đảo nhưng hoạt động theo phương thức đa cấp rất dễ dẫn đến sập tiệm và nghiễm nhiên thành lừa đảo. Lẽ ra, khi phát hiện các biểu hiện này, cơ quan quản lý phải xử lý mạnh tay ngay nhưng lại buông lỏng nên ngày càng nhiều người khổ vì dính vào bẫy đa cấp” - ông Đức nhận xét. Cũng theo ông Đức, Bộ Công Thương cần quản lý chặt từ đầu, không để DN luồn lách, biến tướng hoạt động ngoài khuôn khổ Nghị định 42 và Luật Cạnh tranh. “Cơ quan quản lý không thể nói đa cấp hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn để miễn trách nhiệm được” - ông Đức nhấn mạnh.
Lợi nhuận 200% mà không làm gì là vô lý
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đa số người tham gia bán hàng đa cấp là đáng thương nhưng cũng đáng trách. “Nếu các vụ đa cấp biến tướng, lừa đảo chưa phổ biến, chưa được tuyên truyền rộng rãi thì còn thông cảm với người tham gia. Vài năm gần đây, đã có quá nhiều vụ vỡ nợ với vài chục ngàn nạn nhân mà vẫn có thêm nhiều người dính vào bán hàng đa cấp. Nếu DN hứa hẹn lợi nhuận 20% thì còn có lý, chứ đến 200% mà không phải làm gì thì không thể tin được” - ông Đức đúc kết.
Bình luận (0)