Tại hội nghị "Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long năm 2018" diễn ra ngày 27-3, một số đại biểu chỉ ra rằng Vĩnh Long cần thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh và phải có cách làm mới, thân thiện với nhà đầu tư, coi họ là đối tác để giải quyết các vấn đề kinh tế của địa phương.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong 10 năm qua, kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long luôn ở nhóm khá trở lên. Năm 2016, đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Vĩnh Long khi xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2015 và vượt lên đứng thứ 2 trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nằm trong 6 vị trí thuộc nhóm "rất tốt" của cả nước. Riêng năm 2017, theo kết quả vừa công bố, Vĩnh Long tiếp tục duy trì được thứ hạng cao so với năm 2016, đứng ở vị trí thứ 6, trong nhóm tốt bảng xếp hạng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nói: "Việc tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT), hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... được tỉnh thực hiện thường xuyên. Tỉnh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh như: hỗ trợ NĐT tiếp cận thông tin ban đầu, thực hiện các thủ tục đầu tư đến triển khai dự án, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định".
Theo Bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững kinh tế - xã hội cấp địa phương, Vĩnh Long đứng thứ tư trong vùng. "Môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Vĩnh Long có cải thiện nhưng không ổn định, thật sự chưa có gì nổi bật, chưa thu hút được sự chú ý đáng kể của NĐT và truyền thông" - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đánh giá.
Theo phân tích của ông Cung, 2 năm 2008-2009, Vĩnh Long lọt vào tốp 5 trong danh sách PCI, đến năm 2010 xuống hạng 9 và năm 2011 xuống thứ hạng 54. Đến năm 2012, tỉnh này trở lại tốp 5, sau đó 2 năm liên tiếp xuống hạng thứ 15 và 19. Đến năm 2016, 2017 xếp hạng 6/63. "Tuy xếp hạng 6/63 nhưng có một số thành phần quan trọng giảm mạnh như tiếp cận đất đai năm 2016 đứng hạng 1 thì năm 2017 xuống thứ 14, chỉ số minh bạch từ hạng 11 xuống thứ 51... Điều này chứng tỏ nỗ lực cải cách hành chính chưa hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh chưa nhất quán, chưa liên tục. Trong khi môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương" - ông Cung dẫn chứng và cho rằng Vĩnh Long cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu lâu dài chứ không phải "trồi sụt" như thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh phải tạo áp lực cho toàn bộ bộ máy phải quan tâm và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (DN) cũng là bước để kéo NĐT về đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị
Đường cao tốc là yếu tố quyết định
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), kiến nghị trung ương và tỉnh Vĩnh Long cần tăng cường hệ thống giao thông nội bộ liên vùng giữa các huyện thị trong khu vực, sớm hoàn thành đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ để kết nối TP HCM với ĐBSCL, giúp khu vực gần hơn với các trung tâm kinh tế.
Cùng quan điểm, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, nói: "Nếu xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kéo dài đến Cần Thơ, chắc chắn nhiều DN nước ngoài quan tâm đến Vĩnh Long hơn nữa. Vì trước mắt, nhiều DN nước ngoài họ xem xét những tỉnh gần TP HCM trước bởi họ sợ không tuyển được người ở những tỉnh xa hơn. Tôi có giải thích cho họ hiểu sắp tới có đường cao tốc mới thì chắc chắn Vĩnh Long kéo được nhiều NĐT".
Tham dự và ghi nhận các kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo NĐT, nhà thầu đẩy nhanh hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tiếp đó là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, hướng đến nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống quốc lộ phong phú nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long.
Ký kết đi đôi với thực hiện
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn hơn 13.000 tỉ đồng... Chứng kiến nhiều NĐT cam kết số vốn đầu tư lớn vào Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cam kết phải đi đôi với làm, không triển khai chậm trễ, không để tình trạng ký kết thì rầm rộ, số lượng nhiều nhưng triển khai chẳng được bao nhiêu.
ĐBSCL sẽ là điểm đến lý tưởng của thế giới
Chiều cùng ngày, TP Cần Thơ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, UBND TP Cần Thơ, Tập đoàn Novaland - The Boston Consulting Group (Tập đoàn tư vấn BCG) và Ngân hàng TMCP Quân đội đã tổ chức lễ ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai dự án "Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu". Mục tiêu của dự án là nhằm hoạch định, triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.
Theo ước tính ban đầu từ BCG, nếu dự án này được triển khai thì có thể tạo thêm hơn 300.000 việc làm cho người lao động trong ngành du lịch vào năm 2025, đem lại sự đa dạng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL, đóng góp 6 tỉ USD về GDP.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, cho biết BCG là đơn vị tư vấn chiến lược chuyên nghiệp, danh tiếng toàn cầu. Tập đoàn này sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp để khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại ĐBSCL theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước; giúp bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và dịch vụ chuyên nghiệp; phát triển du lịch dọc các tuyến sông như mô hình du lịch đồng bằng sông Nile (Ai Cập); tư vấn chuyển đổi bến phà Cần Thơ cũ thành bến tàu du lịch trung tâm nối kết với các nước trong khu vực cũng như gián tiếp hỗ trợ việc khai thác Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ thật hiệu quả; hỗ trợ phát triển các DN vừa và nhỏ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân miền Tây Nam Bộ. "Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn, sẽ là một bước ngoặt quan trọng nhằm thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú khi đặt chân đến ĐBSCL" - ông Nhơn nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu những ký kết này được sớm hiện thực hóa thì du lịch ĐBSCL sẽ được nâng lên tầm cao mới. "Tôi đề nghị chính quyền TP Cần Thơ và các bộ, ban, ngành của trung ương hỗ trợ thúc đẩy các quy trình, thủ tục kịp thời, không để xảy ra những vướng mắc để dự án sớm được triển khai để ĐBSCL là điểm đến hàng đầu, lý tưởng của cả nước và của thế giới" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
C. TUẤN
Bình luận (0)