Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5.105.000 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng chiếm hơn 78% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Thị trường đang có sự phục hồi tích cực trong các tháng cuối năm.
Nắm bắt cơ hội thị trường phục hồi
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tháng 10-2023, thị trường hàng hóa trong nước đã sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cũng cho hay từ tháng 7-2023 đến nay, ngành bán lẻ có những tín hiệu khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch AVR, quá trình phục hồi này là kết quả của các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, chính sách visa du lịch, giảm lãi suất cho vay...
Tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP HCM) livestream bán hàng để cải thiện doanh thu
Tính chung 10 tháng, dù sức mua còn yếu, thị trường chưa có sức bật nhưng các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tập trung vào khách hàng và triển khai các chiến lược nên đều ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam, nêu thực tế sau dịch COVID-19, khách hàng chọn mua sản phẩm có giá thấp hơn, tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm. Do khuyến mãi vẫn là yếu tố quyết định mua hàng, Central Retail triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, đa dạng hình thức, mở rộng nhiều sản phẩm, ngành hàng.
"Central Retail vẫn định hướng tập trung mang lại nhiều giá trị cho khách. Ngay từ đầu năm 2023, Central Retail Việt Nam đã tung ra chương trình "1.000 sản phẩm giá luôn luôn rẻ hơn", ra mắt nhãn hàng riêng mang thương hiệu GO! và áp dụng chương trình kích cầu "Mua nhiều tiết kiệm nhiều"…" - bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết.
Các DN bán lẻ cũng chủ động làm việc với các nhà cung cấp để thống nhất số lượng hàng, giá tốt trong các tháng cuối năm 2023 và Tết âm lịch 2024.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, cho hay không chỉ triển khai sớm kế hoạch dự trữ hàng Tết, MM Mega Market còn phối hợp Sở Công Thương TP HCM và các nhà cung cấp lớn triển khai chương trình "Đánh bại lạm phát, giữ bình ổn giá" cho 1.000 mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm từ nay đến ngày 10-2-2024.
MM Mega Market cũng đã tổ chức ngày hội khách hàng chuyên nghiệp giới thiệu hàng Tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm, mang đến cho khách hàng cơ hội trải nghiệm, mua sắm sản phẩm Tết với giá ưu đãi.
Tương tự, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng thực hiện chính sách kìm giữ giá, phối hợp cùng các nhà cung cấp chủ lực trợ giá hàng ngàn mặt hàng, giúp khách hàng tiết kiệm 10%-50% ngân sách chi tiêu.
Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Do đó, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng để góp phần tăng trưởng kinh tế.
Với quy mô 100 triệu dân, thị trường nội địa là mảnh đất nhiều tiềm năng cho các DN khai thác. Dù vậy, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải có chất lượng tương đương, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
"Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về vốn, kết nối DN sản xuất với DN kinh doanh, phân phối… đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, qua đó góp phần củng cố thị trường, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN quảng bá sản phẩm, hỗ trợ DN thủ tục thuê mặt bằng…" - TS Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá thời gian qua Chính phủ dùng công cụ thuế để thúc đẩy thị trường, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% là giải pháp tích cực để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, mức giảm 2% thuế GTGT là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh khó khăn, sức mua thị trường suy yếu như hiện nay.
"Phải kích thích tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế. Ở đây, hỗ trợ người tiêu dùng không có nghĩa là giúp người tiêu dùng mua hàng với giá rẻ hơn mà là giúp thị trường sống động trở lại, từ đó DN có thể phục hồi. Vì vậy, rất cần các giải pháp mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Theo ông, chính sách phải tạo ra đột phá, một cú hích mạnh hơn.
Khuyến mãi không phải là "chìa khóa vàng"
Sau thời gian dài chạy đua khuyến mãi để kéo sức mua, các DN bán lẻ nhìn nhận khuyến mãi không phải là "chìa khóa vàng", DN không thể chạy theo khuyến mãi để đạp giá xuống mãi.
Theo ông Đinh Quang Khôi, về lâu dài, để kích cầu hiệu quả là giữ cho giá cả ổn định để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Muốn vậy, bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nhằm triển khai bình ổn thị trường từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, kinh doanh, phân phối.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, thực tế thị trường đòi hỏi DN bán lẻ cơ cấu nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn. Cùng với đó là cơ cấu hoạt động, cấu trúc tổ chức đáp ứng công tác điện toán hóa, số hóa theo đúng xu hướng phát triển hiện đại, đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-11
Bình luận (0)