Có tổng cộng 379 hợp đồng ghi nhớ giữa các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất hàng hóa các tỉnh, thành với các DN bán lẻ trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2018 vừa diễn ra ngày 22 và 23-11 tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Hội nghị do Sở Công Thương TP HCM và Sở Công Thương tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức.
Là một phần của Chương trình Hợp tác Thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành, được chính thức triển khai từ năm 2012, Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP HCM với các tỉnh, thành đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ các DN đẩy mạnh việc hình thành mối liên kết giữa sản xuất và phân phối.
Đây cũng là cơ sở để TP HCM và các tỉnh, thành hướng tới phát triển bền vững cũng như đã tạo sự kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa ở các địa phương vào hệ thống phân phối của thành phố và ngược lại. Lũy kế đến nay, có 2.662 hợp đồng đã được ký kết.
Khách tham quan 1 gian hàng tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2018
Riêng năm nay, hội nghị thu hút 1.557 DN đến từ 35 tỉnh, thành. Trong đó, có 699 nhà cung ứng (gồm 4 tỉnh thành khu vực phía Bắc, 12 tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, 18 tỉnh thành Đông – Tây Nam Bộ và TP HCM) cùng 40 nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, BigC, Lotte, Vinmart, Mega Market.... Ngoài ra, còn có 150 DN đầu mối xuất khẩu, 100 DN sản xuất suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn và 568 thương nhân chợ đầu mối, chợ loại 1 tại TP HCM tham gia sự kiện.
Thông qua Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa, nhiều DN tỉnh, thành được trao thêm cơ hội đẩy mạnh, mở rộng sản xuất, tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược cho các hệ thống phân phối, không chỉ trong phạm vi các tỉnh, thành phía Nam mà còn lan tỏa ra các vùng, khu vực khác.
Hội nghị cũng góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết để đưa nguồn hàng có giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đưa vào bếp ăn tập thể tại các KCN-KCX, xí nghiệp lớn.
Đánh giá hiệu quả qua các kỳ hội nghị, Sở Công Thương TP HCM cho biết hội nghị không chỉ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân thành phố mà nhận được sự hưởng ứng của DN, nông dân của các tỉnh, thành phố khác, xứng đáng vai trò đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước. Thành quả từ những Hội nghị Kết nối cung – cầu là minh chứng sinh động cho thấy TP HCM luôn năng động, sáng tạo và hướng đến lợi ích chung trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Theo Sở Công Thương TP HCM, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương, hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… nhưng chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương, nhưng do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại của các hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM.
Chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành được triển khai từ năm 2001 đến nay nhằm mục tiêu phát triển kinh tế TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. Song song đó, thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao, có tiềm năng phát triển thương hiệu, thị phần và xuất khẩu.
Đến nay, chương trình đã khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương trong hoạt động hỗ trợ DN, cung cấp nguồn sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng TP.
Thông qua chương trình, các địa phương đã tạo điều kiện cho các DN an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân chăn nuôi.
Bình luận (0)