Ngày 15-1, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam "Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung" (Báo cáo) cùng với một trong những báo cáo đầu vào "Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại", với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
9 khuyến nghị
Theo WB, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp 3 lần so mức trung bình toàn cầu.
Báo cáo nhấn mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và logistics hiệu quả đóng vai trò quan trọng nhằm giảm chi phí thương mại và giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa với thị trường quốc tế và nội địa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có cách tiếp cận mới trong lập kế hoạch và đầu tư thêm cho các tài sản hạ tầng kết nối chiến lược.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, trao Báo cáo cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Ảnh: THÀNH CHUNG
Phân tích hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, Báo cáo nhấn mạnh kết nối không chỉ bó hẹp ở kết cấu hạ tầng mà còn cả về không gian của các hoạt động kinh tế cũng như các thủ tục hành chính và pháp lý.
Để vấn đề kết nối của Việt Nam tốt hơn, nhóm chuyên gia đề xuất các hành động cụ thể với 9 khuyến nghị như: Thay đổi quan điểm về giao thông và không gian để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng; sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế; tạo các vùng kinh tế trọng điểm dọc hành lang mới; nâng cấp kết nối mềm để phục vụ thị trường trong nước; rà soát kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics tại các thành phố; kết nối giữa vùng mật độ thấp với thị trường; bổ sung kết nối với các hỗ trợ kinh tế và xã hội; đầu tư vào khả năng phục hồi thông minh dựa trên mức độ quan trọng và rủi ro; thúc đẩy vận tải đa phương thức như một chiến lược bền vững.
Cần kết nối Đông - Tây
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Báo cáo công bố vào thời điểm hết sức quan trọng khi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Các kết quả nghiên cứu góp thêm nguồn dữ liệu để Việt Nam tham khảo, hoàn thiện chiến lược phát triển 10 năm và kế hoạch 5 năm, đồng thời gợi mở tư duy kết nối và xây dựng không gian phát triển cho việc xây dựng một quy hoạch tổng thể của quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nội dung Báo cáo, song cũng chỉ rõ nhiều vấn đề đáng lưu tâm, cần các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn. Trong đó, chính sách kết nối về đầu tư hạ tầng giao thông hướng mạnh hơn nữa vào phục vụ thương mại. Bên cạnh thương mại quốc tế, Việt Nam cần quan tâm hơn tới đầu tư trong nước và thị trường nội địa.
"Từ năm 2017 tới nay, Việt Nam chỉ mất 2 năm để tăng thêm 100 tỉ USD giá trị xuất nhập khẩu nhưng quan trọng là giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa trong khối lượng xuất nhập khẩu này như thế nào mới là điều quan trọng. Vì vậy, trước hết chúng ta cần định hình chính sách về thương mại, trong đó có thương mại quốc tế và thương mại trong nước cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước để tích hợp với các chiến lược về kết cấu hạ tầng" - Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các chuyên gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam mong các chuyên gia tiếp tục có giải pháp thúc đẩy hạ tầng thương mại. Hiện nay, các ý kiến chỉ tập trung vào kết nối theo chiều Bắc - Nam; nghiên cứu sâu hơn về kết nối Đông - Tây để có thể phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, du lịch biển theo chiến lược phát triển kinh tế biển và để hạ tầng của Việt Nam không bị vô hiệu hóa khi các quốc gia khác đang chú trọng vào việc phát triển và kết nối theo hướng Đông - Tây.
Cho rằng khuyến nghị bảo đảm nguồn dữ liệu thông tin cung cấp cho doanh nghiệp là một đề xuất đúng đắn, bởi nếu thông tin nhiễu loạn thì sẽ "giết chết" các quyết định hoặc làm hỏng các quyết định về quản lý, nhưng Phó Thủ tướng bày tỏ: "Vấn đề làm sao để chúng ta hài hòa giữa tự do thương mại, minh bạch thông tin, giữa tích hợp thông tin với bảo đảm bí mật kinh doanh cũng như là các bí mật khác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa thấy đề cập sâu trong báo cáo, cần làm rõ".
Theo Phó Thủ tướng, tạo thuận lợi thương mại nhưng phải đi kèm với chống gian lận thương mại. Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại, ủng hộ minh bạch, công khai nhưng cũng phải bảo vệ quyền, cạnh tranh và công bằng, bí mật cá nhân và bí mật của các doanh nghiệp được luật pháp cho phép và bảo vệ.
3 đột phá chiến lược
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung, cần thực hiện 3 đột phá chiến lược: Khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông; hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.
Bà Jen Jung Eun Oh, chuyên gia giao thông cao cấp của WB, cho rằng những hành lang quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh thương mại tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất Hà Nội, TP HCM, kết nối với các tỉnh, thành, vùng tham gia vào chuỗi giá trị. Việc bảo đảm chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logistics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển liên quan đến các chuỗi giá trị - điều rất quan trọng đối với khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
Bình luận (0)