xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kết nối du lịch TP HCM và ĐBSCL: Liên kết để phát huy lợi thế

THÁI PHƯƠNG

Sự kết nối du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh mà phát huy lợi thế của nhau để mở rộng thị trường, thị phần

Ngày 4-9, Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, liên kết phát triển du lịch cho doanh nghiệp (DN) giữa TP HCM và các địa phương vùng ĐBSCL.

Thiếu thương hiệu du lịch vùng

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết đối với du khách, mỗi tỉnh, thành không chỉ là khái niệm địa lý, hành chính mà là một điểm đến. Vấn đề là điểm đến đó có gì hấp dẫn, thú vị, khác biệt với điểm đến khác để hình thành một hành trình khiến du khách không cảm thấy trùng lắp. Lợi thế liên kết giữa TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị, còn thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo.

Kết nối du lịch TP HCM và ĐBSCL: Liên kết để phát huy lợi thế - Ảnh 1.

Công ty du lịch giới thiệu tour cho khách nước ngoài tại Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL ngày 4-9 Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2018, du lịch TP HCM và vùng ĐBSCL tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL thu hút được 40,7 triệu lượt khách, trong đó có 37,3 triệu lượt khách nội địa và 3,4 triệu lượt khách quốc tế. ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên. Dù vậy, mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Trung bình mỗi năm 1 người dân ĐBSCL chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ 0,39 lượt khách quốc tế. Con số này rất khiêm tốn so với tiềm năng cả vùng.

Lãnh đạo các địa phương nhìn nhận dù liên kết để phát triển du lịch TP và ĐBSCL có vai trò quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa thực sự tạo nên thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng, chưa thực sự hình thành những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Công tác quảng bá, xúc tiến còn rời rạc, thiếu tính thuyết phục vì vẫn còn loay hoay xác định bản sắc riêng của từng điểm đến...

Một thể chế điều phối vùng cũng chưa được nghiên cứu, triển khai; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn những vấn đề liên vùng để từ đó đề xuất những dự án lớn có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông, văn hóa, giải trí… nhằm tác động đến sự phát triển du lịch vùng.

Đầu tư tạo sản phẩm đặc trưng

Tại hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sáng 4-9 (trong khuôn khổ diễn đàn kết nối du lịch), đại diện một số địa phương nhìn nhận dù có cố gắng nhưng tình trạng trùng lắp về sản phẩm du lịch là khó tránh do đặc thù địa lý, không gian văn hóa...

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nói đến du lịch ĐBSCL nhiều người nghĩ ngay là sản phẩm na ná, trùng lắp nhau. "Nói vậy cũng có phần đúng nhưng mỗi tỉnh có một đặc trưng riêng. Tỉnh, thành nào cũng hát đờn ca tài tử nhưng mỗi địa phương có nét khác nhau, nông dân hát khác, ngư dân hát khác; rừng Cà Mau hoàn toàn khác rừng Kiên Giang. Do đó, địa phương mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hạ tầng... để tạo thêm điểm nhấn, sản phẩm riêng biệt cho từng điểm đến" - bà Cao Xuân Thu Vân diễn giải.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết du lịch ĐBSCL đang cố gắng khắc phục điểm trùng lắp, vấn đề còn lại là nhà đầu tư quan tâm rót vốn, biến sự giống nhau thành khác nhau thông qua từng dự án riêng để tạo sự khác biệt.

Để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng sông nước, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng cần xây dựng nhiều sản phẩm liên kết vùng như tour du thuyền có nghỉ đêm trên thuyền; tour làng nghề đặc trưng như làm nón, dệt chiếu, làng hoa, làng sen; tour kết hợp với các lễ hội, sự kiện đặc thù của từng địa phương; tour khám phá sân chim, tràm chim...

"Tour kết hợp đi xe đạp, tham quan các làng quê hiện đang rất hấp dẫn du khách. Các công ty du lịch địa phương có thể chọn thêm cung đường đẹp ở từng địa phương để tạo nên sản phẩm mới độc đáo. Việc xây dựng các homestay cần có quy hoạch cụ thể, tránh phát triển tràn lan" - ông Trần Quốc Bảo đề xuất.

Quan trọng không kém, theo các DN, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm cho du lịch ĐBSCL, cần xem xét giữ lại những giá trị cốt lõi và giữ gìn cảnh quan của vùng. Chẳng hạn chợ nổi là sản phẩm đặc sắc và đặc trưng của ĐBSCL nhưng đang dần biến mất. Nhiều nhà đầu tư quan tâm, mong muốn tái dựng các mô hình chợ nổi để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế nhưng chưa có nhiều thông tin từ các địa phương.

Sáng nay, 5-9, lần đầu tiên hội nghị lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra nhằm bàn bạc, trao đổi định hướng liên kết phát triển du lịch 14 tỉnh, thành ở một tầm cao và chất lượng mới.

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:

Định hướng thị trường khách để tạo sản phẩm

Để kết nối được giữa các địa phương trong vùng và với TP HCM nhằm tạo điểm đến hấp dẫn mà TP HCM là tâm điểm, theo tôi, cần quan tâm lại thị trường điểm đến, không chỉ TP, miền Trung, miền Bắc mà cả nội vùng ĐBSCL.

Chúng tôi làm lữ hành nên rất băn khoăn xuống miền Tây ban đêm đi đâu, chơi gì? Ngay cả ở TP Cần Thơ, buổi tối rất đẹp nhưng thiếu hoạt động văn hóa. Vì vậy, ĐBSCL cần đầu tư vào sản phẩm du lịch ban đêm, nếu thành công sẽ kéo thêm khách quốc tế, giữ chân du khách ở lại lâu hơn. Có thể chọn điểm nhấn là ẩm thực bởi đây chính là thế mạnh của ĐBSCL với rất nhiều thủy hải sản, đặc sản địa phương.

Ông TRẦN QUỐC BẢO, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist:

Xây dựng website, quảng bá thương hiệu chung cả vùng

Các giải pháp tăng tính liên kết du lịch vùng như xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống bến bãi phục vụ du thuyền trên sông, hệ thống dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách quốc tế, đầu tư đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng... Bên cạnh đó là tăng cường công tác quảng bá tiềm năng thế mạnh của ĐBSCL như phát triển website du lịch chung của cả vùng, thực hiện bản tin về sản phẩm dịch vụ để gửi cho các hãng lữ hành, tham gia hội chợ, sự kiện văn hóa du lịch... Cần nghiên cứu xây dựng thương hiệu chung cho du lịch ĐBSCL, quảng bá đến các thị trường miền Bắc, miền Trung và thị trường khách quốc tế; sản phẩm du lịch chung của vùng...

TẠ THỊ CẨM VINH, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist:

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

Bảo vệ môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Hiện tượng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra ở nhiều địa phương khắp các tỉnh ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông ngòi gần nơi dân sinh sống và các khu du lịch, về lâu dài sẽ phá hủy cảnh quan du lịch vốn là một trong chất liệu chính để tạo sản phẩm, dịch vụ thu hút du khách. Do đó, các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp mạnh mẽ hơn để cải thiện tình hình, mang lại môi trường sống tốt đẹp hơn. Các DN, nhà đầu tư sẽ luôn sát cánh để hướng tới sự phát triển kinh tế, du lịch vững bền. Cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cũng nên thường xuyên đi khảo sát thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, từ đó kịp thời điều chỉnh các quyết sách, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo