Sau những phản ứng của dư luận về việc UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có công văn yêu cầu đẩy mạnh sử dụng nước khoáng và bia sản xuất trên địa bàn, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, cho biết huyện đã gỡ công văn này khỏi cổng thông tin của huyện.
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta”
Ngày 25-8, Cổng Thông tin điện tử huyện Kỳ Anh đăng tải công văn do chủ tịch UBND huyện ký với nội dung yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã - thị trấn trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh, trong đó có nước khoáng Sơn Kim. Công văn cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh ăn uống, karaoke, nhà hàng, khách sạn… ưu tiên giới thiệu khách hàng sử dụng các sản phẩm đồ uống được sản xuất trong tỉnh.
Ngoài UBND huyện Kỳ Anh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cũng cho ban hành văn bản có nội dung như vậy.
Tương tự, ở tỉnh Nghệ An, ngày 28-7, chủ tịch UBND tỉnh này ký ban hành công văn có nội dung yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương vận động các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh, cụ thể là 3 nhãn hiệu bia, trong đó có bia Hà Nội, bia Vida.
Kỳ lạ hơn, công văn còn yêu cầu Sở Công Thương tỉnh kiểm soát chặt chẽ các loại bia không sản xuất trên địa bàn tỉnh; Cục Thuế tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm soát việc chấp hành thuế của các đại lý, nhà hàng sử dụng các loại bia ngoại tỉnh.
Có dấu hiệu lạm quyền
Cũng như vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ xi-măng sản xuất trên địa bàn tỉnh của Công ty CP Xi-măng Xuân Thành 2 trong hoạt động đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn.
Nhiều ý kiến cho rằng những công văn nêu trên có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh. Ông Trần Ngọc Đây, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Đây (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), bức xúc: “Mỗi doanh nghiệp đều có quyền bình đẳng về kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và phải đúng Luật Cạnh tranh. Nếu đã ra thương trường thì phải cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, giá cả… Chỉ đạo của tỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh các loại xi-măng khác” - ông Đây nói.
Ông Lê Văn Sa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại - Dịch vụ Lê Văn Sa, nhà phân phối xi-măng Vicem Hải Vân (xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho biết khi công ty xuống các xã làm việc về cung ứng xi-măng thì các xã cho biết không sử dụng xi-măng Hải Vân mà phải sử dụng xi-măng Xuân Thành. “Việc này đã tạo sự bất bình đẳng, gây khó khăn cho các đơn vị buôn bán vật liệu xây dựng” - ông Sa than phiền.
“Có phải tiêu cực đâu!”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết văn bản của tỉnh chỉ khuyến khích sử dụng xi-măng Xuân Thành chứ không ép buộc, đồng thời khẳng định văn bản nói trên không trái luật. Theo ông Thu, Xuân Thành là nhà máy sản xuất xi-măng đầu tiên mà tỉnh kêu gọi đầu tư trong vòng 25 năm mới được. Năm 2014, sau khi đi vào sản xuất, nhà máy có đề nghị tỉnh về việc hỗ trợ cơ chế khuyến khích tiêu thụ xi-măng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp với các cơ quan liên quan và thống nhất khuyến khích sử dụng xi-măng Xuân Thành vào các công trình giao thông nông thôn để nhà máy xây dựng thương hiệu trong tỉnh.
“Đây là cơ chế hỗ trợ năm đầu tiên người ta sản xuất là bình thường. Các đơn vị bán thì bán, riêng giao thông nông thôn người dân huy động công, cát sạn; nhà nước hỗ trợ xi-măng. Mà xi-măng mình khuyến khích là do sản phẩm của tỉnh làm ra. Về chất lượng sản phẩm, phải bảo đảm, giá cả phải rẻ hơn. Đó là một chính sách để khuyến khích cho doanh nghiệp đến đầu tư tại Quảng Nam chứ có phải quan hệ tiêu cực đâu” - ông Thu bộc bạch, đồng thời cho rằng không thể so sánh chính sách này của Quảng Nam với việc khuyến khích sử dụng bia, nước khoáng ở các địa phương khác vì những sản phẩm đó khác nhau hoàn toàn.
Không ủng hộ
Địa phương nào cũng cần phát triển kinh tế, đều kêu gọi các công ty rượu, bia, nước giải khát lớn đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn tỉnh để tăng nguồn thu cho ngân sách. Bỏ qua yếu tố trái với quy định pháp luật, việc dùng biện pháp hành chính để điều tiết nhằm mục đích “bắt” thị trường phải đi theo, tăng tiêu dùng sản phẩm sản xuất tại địa phương rất khó thành công. Một sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận, sử dụng nhiều hay ít tùy thuộc vào chất lượng, giá cả, nhu cầu tiêu dùng...
Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam không ủng hộ những quy định trái pháp luật và tạo môi trường, điều kiện cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp song do đây là văn bản do các cấp chính quyền ban hành nên hiệp hội không có thẩm quyền gửi văn bản phản đối.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam
Vi phạm cam kết WTO
Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam
Phân biệt đối xử
Còn nếu đưa ra khuyến khích trong một văn bản chính thức có chữ ký, con dấu của cơ quan chính quyền thì đó sẽ bị coi là một biện pháp ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp, mang tính phân biệt đối xử và vi phạm Luật Cạnh tranh.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM
Hoàn toàn không phù hợp
Các công văn của huyện, tỉnh về khuyến khích sử dụng xi-măng, bia, nước khoáng là trái với Luật Cạnh tranh. Đấy là những biểu hiện lập lại các rào cản theo giới hạn hành chính kiểu “ngăn sông, cấm chợ” và mô hình “tự túc, tự cấp”; tỉnh nào dùng sản phẩm của tỉnh đó, bất chấp chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Những hành vi đó hoàn toàn không phù hợp với thẩm quyền của cơ quan nhà nước khi can thiệp quá sâu vào kinh doanh và thị trường và càng không phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp nên sớm xem xét và yêu cầu bãi bỏ các văn bản như vậy.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp
T.Nhân - H.Ly ghi
Bình luận (0)