Chiều 20-8, khoảng 20 khách hàng đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội đã đến trụ sở Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) tại số 25Bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - TPHCM để yêu cầu đơn vị này trả nợ. Đây là lần thứ hai các khách hàng đến vây HDBank đòi quyền lợi.
Bảo lãnh rồi xù nợ!
Những khách hàng trên là cán bộ, nhân viên của Công ty CP Viễn thông An Đô và Chi nhánh Công ty Thép Thành Đô (cùng ở Hà Nội). Họ mặc đồng phục ghi khẩu hiệu “HDBank bảo lãnh rồi… xù nợ” và giăng băng rôn với hàng chữ “Yêu cầu HDBank trả nợ...”, tụ tập ngay cổng hội sở HDBank.
Trước đó, từ ngày 10 đến 17-8, cán bộ, nhân viên của 2 doanh nghiệp này cũng đã đến một số chi nhánh, phòng giao dịch của HDBank tại Hà Nội đòi trả lại tiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khách hàng đến HDBank đòi nợ xuất phát từ những bức xúc liên quan đến chứng thư bảo lãnh mua hàng. Cụ thể, trong tháng 12-2011, Chi nhánh HDBank Thăng Long đã ra chứng thư bảo lãnh mua hàng giữa Công ty CP Viễn thông An Đô với Công ty TNHH Vật liệu mới Á Âu trị giá 10,69 tỉ đồng (làm tròn số - PV).
Tuy nhiên, đến nay Công ty CP Viễn thông An Đô vẫn chưa nhận được khoản tiền này.
Tương tự, Chi nhánh Công ty TNHH Thép Thành Đô tại Hà Nội ký hợp đồng kinh tế số 0112.2011 với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Nhật Nam về việc mua bán thép cuộn cán nóng. Phía Công ty Thành Đô sau đó đã nhận được chứng thư bảo lãnh số 12.12.11 ngày 12-12-2011 của HDBank - Chi nhánh Thăng Long để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Công ty Nhật Nam.
Giá trị bảo lãnh theo chứng thư hơn 15,39 tỉ đồng, có hiệu lực trong 115 ngày kể từ ngày ký. Mặc dù đã quá thời hạn bảo lãnh, Chi nhánh HDBank vẫn không chịu thanh toán tiền, dẫn đến việc các khách hàng kéo vào hội sở của HDBank...
Khách hàng giăng băng ron đòi nợ tại trụ sở HDBank chiều 20-8. Ảnh: HOÀNG NGỌC
Chứng thư có dấu hiệu bị làm giả
Theo phản ánh của các khách hàng, do không được trả tiền đúng hẹn, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Viễn thông An Đô và Chi nhánh Công ty Thép Thành Đô đã nhiều lần gửi công văn khiếu nại đến HDBank nhưng không thấy ngân hàng này hồi âm. Mãi đến tháng 5-2012, HDBank mới có công văn trả lời, trong đó có nội dung
“... Hội sở đã tiến hành kiểm tra thông tin và kết quả sơ bộ là khoản bảo lãnh này không được hạch toán trong hệ thống sổ sách của HDBank...”. Nhằm xác định trách nhiệm cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, Tổng Giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng đã yêu cầu Chi nhánh Thăng Long và cá nhân ông Lê Quý Hiền (người ký phát hành thư bảo lãnh trên - PV) giải trình sự việc, báo cáo đầy đủ và chính xác các vấn đề liên quan.
Tiếp đến, tháng 7-2012, HDBank đã có công văn gửi Công ty CP Viễn thông An Đô và Chi nhánh Công ty Thép Thành Đô với nội dung: “HDBank đã báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật...”. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa có hồi kết và các khách hàng cũng không biết tới khi nào vụ việc được giải quyết rốt ráo.
Với những gì đang diễn ra, 2 chứng thư bảo lãnh trên của HDBank đã có dấu hiệu bị làm giả. Đây không phải là lần đầu tiên HDBank gặp rắc rối. Mới đây, một số cá nhân làm việc tại Chi nhánh HDBank Đồng Nai đã tạo lập chứng thư bảo lãnh giả. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và bắt giam một số người liên quan.
Chuyển hồ sơ cho Công an TP Hà Nội
Ông Nguyễn Hữu Đặng cho biết liên quan đến vụ việc trên, HDBank đã chuyển hồ sơ cho Công an TP Hà Nội, đề nghị xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật. HDBank cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan pháp luật để làm rõ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm đối với cá nhân sai phạm (nếu có)... |
Bình luận (0)