Cụ thể, theo bà B.T.L, tháng 4-2010, bà gửi 2 sổ tiết kiệm vàng tại Eximbank chi nhánh Hà Nội tổng cộng 13 lượng. Cuối năm 2013, bà làm thủ tục tất toán sổ 10 lượng, còn sổ 3 lượng được chuyển sang dịch vụ giữ hộ.
Tháng 8-2017, bà B.T.L đem giấy chứng nhận gửi vàng đến Eximbank chi nhánh Hà Nội làm thủ tục nhận 3 lượng vàng nhưng nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản này đã được tất toán cùng lúc với sổ 10 lượng. Nhân viên Eximbank đưa ra các chứng từ thể hiện giao dịch, trong đó có bảng kê ghi rõ khách rút (gồm cả lãi), có chữ ký của khách hàng.
Ảnh minh hoạ
Bà B.T.L thắc mắc tại sao toàn bộ các phiếu chi và thu đều do kế toán và thủ quỹ ghi các nội dung, chỉ có chữ ký là của bà? Riêng phiếu chi 3 lượng vàng không có tỉ lệ lãi như trong giấy chứng nhận gửi vàng?
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Eximbank chi nhánh Nội Hà Nội cho biết khi khách hàng đến tất toán sổ 3 lượng vàng vào năm 2017, nhân viên ngân hàng kiểm tra chứng từ cho thấy khách hàng đã nhận lại toàn bộ hơn 13 lượng (cả lãi). Sau đó 2 năm, khách có quay lại làm giao dịch gửi 10 lượng và đã tất toán hết.
Hiện ngân hàng chỉ lưu chứng chỉ giữ 10 lượng vàng, không có chứng chỉ 3 lượng. Tất cả chứng từ đều được Eximbank đưa đi giám định tại Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát). Kết quả cho thấy chữ ký trong chứng từ trùng khớp với chữ ký của khách hàng, trong đó có chữ ký trên bảng kê đã nhận hơn 13 lượng vàng. Lỗi của phía Eximbank là nhân viên đã không thực hiện đúng quy trình giao dịch, cho khách hàng nợ sổ (tài khoản 3 lượng) mà không có chữ ký xác nhận, dẫn đến những rắc rối về sau.
Khách hàng B.T.L đang sinh sống ở nước ngoài, ủy quyền cho người thân đến giải quyết. Hiện nay, giữa hai bên vẫn thương lượng nhưng chưa thống nhất được cách giải quyết. Đáng lưu ý là tại thời điểm diễn ra các giao dịch trên, chính sách của Ngân hàng Nhà nước về vàng có nhiều thay đổi.
Bình luận (0)